Xu thế khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn

Khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn là một xu thế mới trong nền kinh tế hiện đại, hướng tới tạo ra các giải pháp kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai) đầu tư quy trình sản xuất, chế biến khép kín không có chất thải vì tất cả các phế phẩm từ trái ca cao được đưa thành nguyên liệu chế biến hoặc phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Vỏ trái ca cao được xay làm phân bón hữu cơ

Hiện nay, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, xu hướng khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành hướng đi đúng đắn, tạo tác động tích cực đến xã hội, mang lại các lợi ích kinh tế và kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ khẳng định, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu. Trong bối cảnh  đó, yêu cầu đặt ra cho nền kinh tế là sự phục hồi, đồng thời kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kinh tế tuần hoàn là một nội dung trọng tâm, trong đó Techfest năm 2023 đặc biệt quan tâm tới các công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh, công nghệ bảo vệ môi trường, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo… để vừa tạo đòn bẩy kinh tế vừa đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 khẳng định sự phát triển của kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Đề án đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo các chuyên gia,Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp thì phế phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu khổng lồ để làm điện sinh khối

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, hiện chúng ta hay hiểu lầm là kinh tế tuần hoàn chỉ là tái chế. Nhưng thực tế, kinh tế tuần hoàn là một vòng đầu tư, trong đó mọi khâu của chuỗi hoạt động đều được quan tâm để sản phẩm được sử dụng lâu hơn, bền hơn và có thể tái sử dụng.

“Với những doanh nghiệp lớn, đầu tư vào kinh tế tuần hoàn là sự đầu tư lâu dài còn với những doanh nghiệp nhỏ thì đó là cơ hội để kết hợp sản xuất sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, để áp dụng mô hình này vào thực tế thì cần sự nỗ lực, song hành của các cơ quan đoàn thể. Đối với các doanh nghiệp, đầu tư vào kinh tế tuần hoàn là một đầu tư mang tính chiến lược và bền vững cho doanh nghiệp.” – bà Linh nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy xu hướng này, bà Linh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và startup hãy đầu tư vào kinh tế tuần hoàn một cách bài bản, có kế hoạch lâu dài để biến nó thành một xu hướng thịnh hành trên thị trường, góp phần vào bảo vệ môi trường và xây dựng một kinh tế bền vững cho đất nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện Đại học Swinburne Vietnam chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn – xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững”

Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, việc thúc đẩy các đổi mới sáng tạo trong kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết. Khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ đóng góp tích cực vào phát triển bền vững của đất nước, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, ông Nam cũng đề cập đến một số thách thức trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện Đại học Swinburne Vietnam cho biết, năng lượng tái tạo đang được cho là nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng hoá thạch, đây là một xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 1-2 nhà máy xử lý rác thải tạo ra điện. Theo ông Hải, Chính phủ dần có hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có nhận thức đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đầu tư công nghệ cao để sản xuất và kinh doanh bền vững.

P.Hương