LÀM THẾ NÀO XÂY DỰNG BẢN KẾ HOẠCH KHỞI SỰ KINH DOANH

Sau khi đã có ý tưởng kinh doanh khả thi cũng như đánh giá về khả năng của bản thân, bạn cần xây dựng một bản Kế hoạch Kinh doanh. Bản Kế hoạch Kinh doanh sẽ giúp bạn định hướng, theo dõi tiến độ và đây cũng là tài liệu bắt buộc phải có trong một số trường hợp như vay vốn từ ngân hàng hay kêu gọi đầu tư.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà Kế hoạch Kinh doanh có thể có sự biến hóa phù hợp, nhưng cơ bản một bản Kế hoạch Kinh doanh sẽ gồm 4 phần chính sau:

1. Giới thiệu về công việc kinh doanh

Trong phần này, bạn sẽ trình bày các nội dung về quản lý và điều hành doanh nghiệp của bạn, bao gồm:

– Cấu trúc của doanh nghiệp: sole trader hay company, partnership, trust?

– Thông tin đăng ký doanh nghiệp: ABN, ACN, business name, GST, địa chỉ website, các loại giấy phép, v.v…

– Địa điểm văn phòng: nếu là mua thì giá mua, nếu là thuê thì giá thuê và thời hạn thuê cùng các trang thiết bị liên quan

– Cơ cấu tổ chức – nhân sự: Chủ doanh nghiệp, nhân viên, các kinh nghiệm và kỹ năng liên quan

– Sản phẩm, dịch vụ: Phân khúc thị trường (định vị), đơn giá, USP, dự kiến nhu cầu (ví dụ: một khách sẽ mua bao nhiêu sản phẩm của bạn trong 6 hay 12 tháng?), chiến lược làm giá (pricing strategy), tiềm năng tăng trưởng, v.v…

2. Phân tích thị trường

Đây chính là kế hoạch marketing của bạn. Trong phần này bạn cần phân tích được về mặt marketing, ngành nghề mà bạn tham gia kinh doanh, khách hàng và đối thủ cạnh tranh của bạn. Phần này cũng cần có cá chỉ tiêu về marketing chủ chốt và chiến lược của bạn đã đạt được các chỉ tiêu này.

Một số nội dung chính của phần này như sau:

– Nghiên cứu thị trường: Thông tin chung về địa phương về ngành và thông tin cụ thể về sản phẩm, dịch vụ sẽ bán. Website ABS là một nguồn thông tin hữu ích.

– Chỉ tiêu thị phần: Mục tiêu của bạn trong tháng tới hay 12 tháng tới, ví dụ, là bán được bao nhiêu sản phẩm?

– Khách hàng: Mô tả về một khách hàng đặc trưng (typical customer) với các thông tin về nhân khẩu học của họ (demographics) và cách thức để quản lý khách hàng (customer management).

– Phân tích SWOT, phân tích đối thủ cạnh tranh.

– Phân tích về quảng cáo và bán hàng: Chiến lược tiếp thị, quảng cáo của bạn trong 12 tháng tới là gì? Bao gồm những hình thức, hoạt động nào? USP của bạn là gì? Các chỉ tiêu về marketing và sales? Các kỹ thuật bán hàng và các kênh phân phối?

3. Trình bày về tương lai phát triển

Phần này bao gồm các kế hoạch của bạn cho tương lai và có thể có các nội dung về tuyên bố tầm nhìn, mục tiêu kinh doanh và các cột mốc chính.

4. Phân tích về tài chính

Phần này bao gồm các thông tin về nguồn vốn cho business, các chi phí và dự báo về tài chính. Các nội dung cần trình bày bao gồm:

– Mục tiêu về tài chính và số vốn cần có: Các chỉ tiêu về doanh số, về lợi nhuận; tổng số vốn cần có và nguồn vốn.

– Dự kiến về tổng vốn ban đầu (startup cost), dự toán về cân đối kế toán (balance sheet), dự báo lãi lỗ (profit & loss) và dòng tiền (cash flow).

– Phân tích hòa vốn (break-even analysis): Cần tính được, để hòa vốn bạn cần bán bao nhiêu sản phẩm. Phân tích hòa vốn cũng sẽ giúp bạn khẳng định được tính khả thi của business.
Công thức chung để tính số đơn vị sản phẩm cần bán để hòa vốn như sau:

Số đơn vị sản phẩm cần bán được để hòa vốn = Tổng chi phí cố định trong kỳ (tháng/năm)/(Giá bình quân của mỗi sản phẩm bán được – Chi phí bình quân để sản xuất mỗi sản phẩm).

Ví dụ: Nếu tổng chi phí cố định của shop café bạn đang vận hành trong 1 tháng là $10k (bao gồm tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên), mỗi ly cà phê bạn bán với giá $4 và chi phí để sản xuất 1 ly cà phê là $1.5 thì:

Tổng số ly cà phê bạn phải bán trong tháng để hòa vốn = $10k/($4-$1.5) = $10k/$2.5 = 4000 (ly).

Tương đương với mỗi ngày bạn phải bán được 4000/30 = 133 ly (với con số này, bạn có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn hay dễ dàng khi vận hành shop café tại một địa điểm cụ thể nào đó).

Trên đây là những nội dung cơ bản cần có trong một bản Kế hoạch Kinh doanh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của bản Kế hoạch mà các nội dung có thể được tùy biến tương ứng. Và khi lập Kế hoạch Kinh doanh, bạn KHÔNG nhất thiết phải tuần tự thực hiện tất cả mọi nội dung như trên, mà hãy tự quyết định xem phần nào phù hợp và không phù hợp với công việc kinh doanh mình định làm.

Ngoài ra, một vấn đề cần được cân nhắc kỹ là việc chia sẻ bản Kế hoạch Kinh doanh này với bên thứ 3. “Tiên cơ bất khả lộ”, bạn đương nhiên không muốn quá nhiều người biết về Kế hoạch Kinh doanh của mình, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh hay những người ăn cắp ý tưởng. Trong một số trường hợp, việc ký thỏa thuận bảo mật trước khi chia sẻ Kế hoạch Kinh doanh là cần thiết.

Không có Kế hoạch Kinh doanh, bạn sẽ thấy mình loay hoay, rối bời, vật vã, khổ sở ngay trong chính sự đam mê và nhiệt huyết phục vụ khách hàng của bản thân. Một bản Kế hoạch Kinh doanh sẽ giúp bạn biết rõ trước khi ‘lâm trận’ về bán cái gì, cho ai, và cần bao nhiêu tiền để thực hiện việc đó.

Nguyễn Hoàng Tuấn.