Công nghệ là cốt lõi của quốc gia. Trong đại dịch Covid-19, công nghệ đã đóng vai trò tích cực vào công tác phòng chống dịch, tiêu biểu là công nghệ tiên phong. Theo báo cáo tương lai kinh tế số Việt Nam, từ nay đến năm 2045, Việt Nam có cơ hội đột phá với những công nghệ mới nhờ lực lượng dân số trẻ, năng động, thu hút vốn đầu tư và nằm trong vị trí trung tâm của nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại Châu Á.
Hình ảnh triển lãm thực tế ảo trong khuôn khổ TechFest Đồng Nai năm 2021
Theo bà Đoàn Kiều My, CEO YellowBlocks, đại dịch Covid-19 làm cả thế giới thay đổi và thúc đẩy cả xã hội chuyển hóa nhanh hơn. Đây là cơ hội cho nhóm ngành kinh tế mới nổi với khả năng biến chuyển linh hoạt và nỗ lực sáng tạo không ngừng.
Chủ trương của Chính phủ xác định công nghệ là 1 trong 4 trụ cột mũi nhọn để phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ mới như AI, 5G, IOT giúp các quốc gia chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang sáng tạo. Việt Nam hiện đang trên đường trở thành 1 trung tâm về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, Chính phủ có mục tiêu là đưa ngân sách nghiên cứu tăng lên 2% vào năm 2030, điều này rất quan trọng để cho các công ty Việt Nam, hệ sinh thái sáng tạo Việt Nam tiếp cận sáng tạo các công nghệ tiên phong và ứng dụng công nghệ này vào chuyển đổi số như thực hiện dự án thành phố thông minh, nhà máy thông minh… Tuy nhiên công nghệ thường đi trước thời đại, liên quan đến cái mới, quan niệm mới, thậm chí là chưa từng xuất hiện, chưa quen với đại đa số người nghe. Chính vì thế, để người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận, biết đến và sử dụng công nghệ mới thì cần vai trò của truyền thông.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, công nghệ lúc nào cũng mang tính phức tạp, khó giải thích được lợi ích của công nghệ đem lại cho người dùng. Ví dụ như công nghệ 5G mang lại rất nhiều lợi ích nhưng việc tuyên truyền để cho người dân nắm được những lợi ích của công nghệ này rất khó khăn. Nên cái khó đầu tiên là định nghĩa những công nghệ mới đó với người nghe, với công chúng. Có thể nói, công tác truyền thông cho công nghệ tiên phong luôn là bài toán khó. Cũng theo ông Nam, truyền thông nên tập trung vào công nghệ đem lại lợi ích gì cho người dùng thì sẽ dế tiếp nhận hơn.
Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê: “trong kỷ nguyên truyền thông 5.0 thì có 1 nguyên lý căn bản là dựa trên trải nghiệm con người. Năng lực hiểu biết và khả năng tiếp nhận của mỗi người khác nhau nên chúng ta truyền thông phải xác định được đối tượng người nghe, tìm giải pháp để tương hỗ với người tiếp cận thông tin và dẫn dắt họ qua hành trình cụ thể và phụ thuộc vào nhu cầu từng con người”.
Ông Lê Quốc Vinh cũng nhấn mạnh, thị trường bây giờ không bó buộc ở trong nước nữa, mà muốn tiếp cận thị trường thế giới, truyền thông sẽ giúp các doanh nghiệp khai phá thị trường lớn hơn và thị trường mục tiêu. Hơn nữa, truyền thông không chỉ đơn giản là giới thiệu một sản phẩm cụ thể mà kiến tạo ra môi trường để startup có sức sống, các thành phần trong hệ sinh thái, kể cả người dân để cùng giải quyết một vấn đề xã hội nào đó, chẳng hạn như về phát triển bền vững.
Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội sung số, Đài Truyền hình Việt Nam lại nhấn mạnh đến vai trò chủ động của truyền thông. “Sự chủ động của các đơn vị hàng đầu về truyền thông sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội quan trọng. Trước khi sản phẩm công nghệ nào đưa vào ứng dụng thì người dân đã tiếp cận và hào hứng chờ đợi công nghệ mới đó” – ông Chiến nói.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, cơ quan nhà nước đang tạo những diễn đàn để cùng đưa ra sáng kiến, giải pháp để giải quyết những vấn đề khó trong đó có truyền thông về công nghệ tiên phong. Theo ông, nên có một vài đột phá thử nghiệm để thay đổi cách tiếp cận, để truyền cảm hứng cho người sử dụng sản phẩm và cả thế hệ tương lai. Chẳng hạn như kết nối các chuyên gia ở nước ngoài để hình thành mạng lưới tư vấn, kết nối với các vườn ươm, các trường đại học và các đơn vị truyền thông để chuyển “lửa” về quê hương. Qua đó cung cấp cho thế hệ trẻ tầm nhìn, hướng đi và những người đồng hành với họ. Trong mạng lưới đó: những tập đoàn sử dụng hệ sinh thái của chính họ cho hệ sinh thái của quốc gia; với những người cố vấn cho startup tầm nhìn và ý chí khi thất bại; đối với truyền thông cho startup tinh thần và văn hóa hỗ trợ khởi nghiệp để giúp cho họ đứng vững.
P.Hương