Các trường đại học đóng vai trò tạo ra ý tưởng thông qua những chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, về khởi nghiệp kinh doanh, qua đó giúp cho sinh viên hoàn thiện ý tưởng của mình để thành những đề án, dự án cụ thể.
“Chìa khóa” thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Cuối năm 2017, Bộ Giáodục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017. Đây được xem là “chìa khóa” thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học trên cả nước.
Được đánh giá là một trong những trường có phong trào khởi nghiệp phát triển hàng đầu của tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng đã làm khá tốt việc hợp tác với doanh nghiệp, giúp đưa các ý tưởng của sinh viên thành các dự án cụ thể.
Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị – Kinh tế quốc tế (Đại học Lạc Hồng) cho biết, để thúc đẩy phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, nhà trường đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: thực hiện chính sách đặc cách tốt nghiệp cho sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; thường xuyên mở các lớp đào đạo khởi nghiệp cho sinh viên; hỗ trợ kinh phí thực hiện sản phẩm mẫu. Nhằm tạo sân chơi cho sinh viên khởi nghiệp, từ năm 2016, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp trong sinh viên. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn, đã thành công về chia sẻ, đào tạo cho sinh viên. Qua sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, sinh viên có được những thông tin bổ ích về tìm kiếm nhu cầu thị trường, xây dựng dự án, tìm kiếm tài chính từ các nhà đầu tư, đánh giá rủi ro triển khai dự án…
Theo ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp (Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh), để tạo lập được một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần thực hiện quy trình ba bước đó là hình thành và phát triển ý tưởng sáng tạo; chuyển hóa ý tưởng sản tạo thành dịch vụ và thương mại hóa sản phẩm dịch vụ mới vừa hình thành. Trường đại học có thể hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại cộng đồng hay địa phương thông qua quá trình hỗ trợ hình thành và phát triển ý tưởng kinh doanh, chuyển hóa ý tưởng thành các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mẫu. Cuối cùng là hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ đã đăng ký bảo hộ thông qua việc bán, cho thuê hay nhượng quyền kinh doanh hoặc thương mại hóa bằng cách thành lập những doanh nghiệp trong trường đại học.
“Hoạt động khởi nghiệp kinh doanh bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo có tính mới, độc đáo và hữu ích nhưng để biến những ý tưởng sáng tạo này thành hiện thực hay thành những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh cụ thể cần có hoạt động đổi mới để hiện thực hóa ý tưởng. Vai trò của đào tạo chỉ giúp cho sinh viên hình thành những ý tưởng mới và hình thành tư duy kinh doanh, nhưng không thể thiếu vai trò của các vườn ươm trong việc hỗ trợ phát triển ý tưởng, hình thành khái niệm sản phẩm/dịch vụ và thử nghiệm trên thị trường trước khi thương mại hóa chúng”, ông Phong chia sẻ.
Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp trong nhà trường, ông Lê Nhật Quang, Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học quốc gia TP.HCM) cho rằng, trường đại học là nơi tạo ra môi trường cho sinh viên khởi nghiệp. Với cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm được đầu tư bài bản để sinh viên thỏa sức đam mê sáng tạo.
“Tuy nhiên, qua thống kế cho thấy sinh viên có tinh thần khởi nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 3%. Vì vậy, khởi nghiệp cũng cần phải xem giống như cái nghề cần được đào tạo một cách bài bản”, ông Quang cho hay.
Tập trung hỗ trợ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025, đến nay tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản về hỗ trợ thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 22-8-2018 về việc thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023. Sự hình thành của Hội đồng tư vấn, điều phối các mạng lưới khởi nghiệp nhằm tiếp nối hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Hội đồng này cũng quản lý và điều phối chung các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách đồng bộ, tập trung. Từ đó có thể tạo được sự lan tỏa nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, theo kế hoạch hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, đến nay Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tổ chức các hoạt động như: Triển khai một số lớp đào tạo hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; Đẩy mạnh chương trình truyền thông về khởi nghiệp; Đang tiến hành tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai…
Đặc biệt, mới đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình HĐND tỉnh chính thức thông qua Nghị quyết 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 về Ban hành quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây được xem là “cầu nối” nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
“Kinh nghiệm từ các trường đại học sẽ là thực tiễn để bổ sung các giải pháp cho tỉnh thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Về phía địa phương, sẽ nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có thể phát triển, ứng dụng tốt công nghệ vào hoạt động kinh doanh, từ đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sức thu hút của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp. Hiện tại, việc xây dựng Trung tâm Startup để hỗ trợ thưc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Sở xây dựng kế hoạch và sẽ được triển khai trong thời gian tới”, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Ngọc Phương cho hay.
Lê Khôi