Thông thường để hình thành được một doanh nghiệp khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo thì phải trải qua rất nhiều bước. Trong đó, 3 bước đầu tiên thường được gọi là tiền khởi sự doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp (Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh).
PV: Thưa ông, xin ông cho biết làm sao để biến những ý tưởng thành dự án khởi nghiệp?
Ông Nguyễn Hùng Phong: Khởi nghiệp được xem là quy trình bao hàm các hoạt động khám phá, nhận dạng và khai thác các cơ hội kinh doanh để tạo ra những hàng hóa hay dịch vụ mới có giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và được thực hiện bởi những nhà khởi nghiệp, đó là những người có đam mê và năng lực nhận dạng các cơ hội kinh doanh và kiên trì theo đuổi việc khai thác các cơ hội kinh doanh với tinh thần dám chấp nhận rủi ro. Trong khi đó cách tiếp cận theo hệ sinh thái khởi nghiệp nhấn mạnh đến việc huy động một tập hợp các tác nhân hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao và những doanh nghiệp này được xem là nguồn tạo nên đổi mới, tăng năng suất, tạo tăng trưởng cao và việc làm cho người lao động.
Thông thường để hình thành được một doanh nghiệp khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo thì phải trải qua rất nhiều bước. Trong đó, 3 bước đầu tiên người ta gọi là tiền khởi sự doanh nghiệp. Đó là phải có ý tưởng về kinh doanh. Ý tưởng này được hình thành dựa trên đổi mới sáng tạo, tư duy sáng tạo để tạo ra những sản phẩm dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới, độc đáo mà trước đến nay chưa ai có, nhưng có tính khả thi trên thị trường. Từ ý tưởng đó mới được chuyển sang bước thứ 2 là bước đổi mới. Đây là bước triển khai ý tưởng này để hình thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Để làm được điều này phải có cơ sở vật chất (văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm, máy móc trang thiết bị…). Giai đoạn này thường được thực hiện trong các vườn ươm. Sau khi đã làm ra sản phẩm mẫu rồi, đã thử nghiệm trên thị trường và bắt đầu có đơn hàng thì sẽ thành lập doanh nghiệp và bắt đầu bước vào giai đoạn thương mại hóa.
PV: Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học sẽ đóng vai trò nào như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Phong: Trường đại học đóng vai trò tạo ra ý tưởng, từ những chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, về khởi nghiệp kinh doanh, giúp cho sinh viên hoàn thiện ý tưởng này thành những đề án cụ thể. Trường đại học có thể sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất của mình để ươm tạo nên các doanh nghiệp, cho phép sinh viên có thể sử dụng vật tư, trang thiết bị, phòng thí nghiệm để phát triển ý tưởng.
Hiện nay, các trường đại học chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, còn đến giai đoạn thương mại hóa thì doanh nghiệp khởi nghiệp từ các trường đại học phải tự bơi trên thị trường. Để đến được giai đoạn tự tồn tại (có đơn hàng, bán được hàng, nhưng doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí), doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo, kêu gọi vốn đầu tư từ các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp này tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm hợp đồng và nhà cung cấp. Sau giai đoạn thành công sẽ là giai đoạn cất cánh, mở rộng quy mô và cuối cùng là bán cổ phần ra công chúng.
Nói tóm lại, trường đại học sẽ đóng vai trò ở giai đoạn đào tạo, tạo ý tưởng, tổ chức các cuộc thi để khơi dậy nguồn ý tưởng. Nếu có điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức các không gian làm việc chung hoặc các vườn ươm doanh nghiệp để chuyển hóa các ý tưởng đó thành các sản phẩm dịch vụ cụ thể, bán sản phẩm trên thị trường.
PV: Vậy vai trò gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với các ý tưởng của sinh viên sẽ được cụ thể hóa như thế nào?
Ông Nguyễn Hùng Phong: Làm sao để tổ chức hệ thống mạng tương tác nhằm gắn kết các đối tác khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho phong trào sinh viên khởi nghiệp thì chúng ta cần những yếu tố như: nhà tư vấn – đó là những cựu sinh viên đang là những doanh nhân thành đạt; sự hỗ trợ từ nhà nước thông qua Quỹ ươm mầm để biến những ý tưởng thành sản phẩm dịch vụ; nhà đầu tư thiên thần, họ đầu tư vào đầu tư vào một dự án theo nguyên tắc 6-3-1 (tức là chấp nhận 6 dự án khởi nghiệp thất bại, 3 cái thành công và 1 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công xuất sắc). Nhà đầu tư thiên thần là những doanh nhân thành đạt, các doanh nghiệp lớn.
Trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp chúng ta sẽ đi bằng 2 con đường, đó là lập nghiệp bằng con đường kinh doanh (nghĩa là kinh doanh những sản phẩm đã có trên thị trường) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với đặc trưng là tạo những sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường, thậm chí chưa có nhu cầu. Ứng dụng các công nghệ để tạo ra sản phẩm. Đây được gọi là những doanh nghiệp có chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp này tại Việt Nam chỉ khoảng 3%.
* Xin cảm ơn ông!
Lê Khôi (thực hiện)