Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể

Theo báo cáo của Liên minh HTX Đồng Nai, lũy kế đến ngày 15-6-2023, toàn tỉnh có 802 CLB, tổ hợp tác (THT) với hơn 28,2 ngàn tổ viên (giữ nguyên so với cuối năm 2022). Trong đó lĩnh vực trồng trọt 529 THT, chăn nuôi 200 THT, thủy sản 24 THT và dịch vụ tổng hợp 49 THT. Các THT hoạt động khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như: nông nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đúc gang, hàng mộc xuất khẩu… Trên thực tế hoạt động của mô hình này vẫn thiếu ổn định, chưa cung cấp các dịch vụ thiết thực cho tổ viên. Nhiều THT chưa thực hiện theo quy định để đăng ký với chính quyền địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế và giải quyết vấn đề tranh chấp nội bộ; giữa THT với các thành phần kinh tế khác, trình độ và kinh nghiệm quản lý, điều hành của ban điều hành còn yếu…

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 11 HTX, với số vốn điều lệ gần 37 tỷ đồng gồm 83 thành viên và 45 lao động.

Đối với các HTX, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 11 HTX, với số vốn điều lệ gần 37 tỷ đồng gồm 83 thành viên và 45 lao động. Lũy kế đến giữa tháng 6, trên địa bàn toàn tỉnh có 484 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và Liên hiệp HTX. Cũng như các thành phần kinh tế khác, hoạt động của các HTX thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Quy mô vốn nhỏ, hoạt động với năng lực còn hạn chế, đặc biệt, những tác động của kinh tế thế giới và trong nước nói chung cũng đè nặng lên vai những người “đứng mũi chịu sào” của các HTX. Ông Lê Thanh Thuận, Giám đốc HTX Thuận Phát, chuyên lĩnh vực san lấp mặt bằng, thi công công trình cho hay, với máy móc và nhân lực hiện có, HTX có thể đảm nhận được nhiều dự án, hợp đồng của doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề bến bãi, mặt bằng để tập kết vẫn đang là bài toán nan giải của đơn vị, do đó HTX mong muốn chính quyền địa phương có sự hỗ trợ, giúp đỡ tìm cách tháo gỡ.

Trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh đã thực hiện giải ngân số tiền hơn 8,5 tỷ đồng cho 229 lượt vay vốn (2 HTX và 227 thành viên) để hỗ trợ cho các thành viên phục hồi sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay của quỹ đến nay là gần 21,5 tỷ đồng.

Để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, thời gian qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên cho các HTX, THT đã được tăng cường. Liên minh HTX tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử, Zalo,  Facebook, kịp thời truyền tải thông tin cho khu vực kinh tế tập thể; phát hành bản tin kinh tế tập thể hằng tháng đến các địa phương, HTX thành viên. Liên minh HTX Đồng Nai đã ký kết chương trình phối hợp năm 2023 với Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Đồng Nai tuyên truyền về kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Hàng tuần, các cơ quan truyền thông trong tỉnh đều xây dựng các chuyên đề để hỗ trợ thông tin, quảng bá, thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể phát triển.

Để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, thời gian qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên cho các HTX, THT đã được tăng cường

Về công tác đào tạo, đơn vị phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 lớp tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ cho 300 cán bộ Hội LHPN các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và Cẩm Mỹ. Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực kinh tế tập thể, HTX và tổ chức lớp bồi dưỡng cho trên 450 lượt cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý HTX, quỹ tín dụng nhân dân. Tuyên truyền, vận động các HTX tham gia thành viên của liên minh. Với 8 HTX được kết nạp mới, đến nay Liên minh HTX Đồng Nai đã có 250 tổ chức kinh tế tập thể là thành viên. Đây là lực lượng đông đảo, sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu được quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện trong sản xuất, kinh doanh.

T.Quế