Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra.

Tọa đàm Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ra mắt Làng Học sinh sinh viên tại Đồng Nai

Đến nay, hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khoá, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học … nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học. Gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị, 90% trong số đó tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thu hút gần 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường đại học; hơn 120 trường đại học đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ngày càng phát triển. Việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để vừa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, vừa thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp, có một số đại học, trường đại học hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp ở trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.

Tại Đồng Nai, hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học – cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai những năm qua không ngừng phát triển. Để thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên, hằng năm các sở, ngành như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Học kỳ trong Doanh nghiệp, Ngày sinh viên Đồng Nai sáng tạo và khởi nghiệp, các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp; các buổi tọa đàm, trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp…

Các trường đại học, các phân hiệu cơ sở 2 của các trường đại học, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang nỗ lực trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối để đưa những ý tưởng sáng tạo từ phòng nghiên cứu ra thị trường. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động 1 phòng trưng bày sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm công nghệ và khởi nghiệp với diện. Trường Đại học Đồng Nai đã xây dựng khu sinh hoạt khởi nghiệp tại Khoa Kinh tế với không gian có sức chứa 500 người. Trường Đại học Lạc Hồng đưa vào hoạt động khu làm việc chung về khởi nghiệp. Các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các Trường Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghệ miền Đông, Đại học Đồng Nai cũng đi vào hoạt động sôi nổi, tạo điều kiện hỗ trợ, kết nối và truyền động lực trong sinh viên.

Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng cho biết, Đại học Lạc Hồng rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Đến nay, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp như: Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình tọa đàm khởi nghiệp, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức khởi nghiệp, thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp, thành lập và đưa vào hoạt động không gian làm việc chung. Trong những năm gần đây, trường đã đạt được nhiều thành tích trong hoạt động khởi nghiệp. Đã có trên 100 dự án khởi nghiệp được tạo ra ra cùng với gần 10 tài sản trí tuệ được thương mại hoá.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Đề án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp.

P.Hương