Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở

Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có nêu một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở và mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới. Đây là lần đầu tiên giải pháp đổi mới sáng tạo mở được đề cập.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, đổi mới sáng tạo mở hiện nay đang được các nước trong ASEAN phát triển rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường quốc tế để gọi vốn, để phát triển thị trường buộc phải mở từ tư duy để kết nối với nhau. Chúng ta phải xây dựng hệ sinh thái mở từ phạm vi của trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, vườn ươm cho đến thành phố, quốc gia.

Mô hình đổi mới sáng tạo mở tập trung vào những hệ thống kết hợp và mạng lưới rộng, linh hoạt và tủy chỉnh, đổi mới liên tục. Hiện nay có 3 hình thức đổi mới sáng tạo mở phổ biến là: đổi mới sáng tạo mở xã hội; đổi mới sáng tạo mở khu vực công và đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp.

Đối với hình thức đổi mới sáng tạo mở xã hội: người dân, các công ty startup, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học hay tổ chức tư nhân, nhà nước thực hiện mô hình kinh doanh, hoạt động của tổ chức với mục tiêu giải quyết các vấn đề của xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho địa phương và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân địa phương.

Đổi mới sáng tạo mở khu vực công: các công ty startup, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học hay tổ chức tư nhân, nhà nước đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề khu vực công, tăng tính đổi mới của các dịch vụ công, quan trọng hơn là đóng góp vào việc tạo ra giá trị công. Trong quá trình Đổi mới sáng tạo mở khu vực công cần tiến hành đổi mới trong 03 lĩnh vực. Đầu tiên là Chính phủ cần phải đổi mới cốt lõi, thực hiện số hoá và tối ưu hoá các sản phẩm, dịch vụ công truyền thống. Tiếp theo, doanh nghiệp cần có giải pháp mới để sản xuất sản phẩm, dịch vụ hiện có. Cuối cùng, ở lớp người dân cần các giải pháp khai phá tính sáng tạo nhằm góp ý tưởng giải quyết vấn đề.

Đối với đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp: các doanh nghiệp cần thực hiện những nhiệm vụ đổi mới nhằm thực hiện hoá mục tiêu giải quyết vấn đề hiện có của doanh nghiệp, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đa dạng hoá nguồn ý tưởng đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phạm Hồng Quất, mục tiêu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút các tài năng ở phạm vi toàn cầu để cùng giải quyết một vấn đề lớn. Cách tiếp cận này yêu cầu chính quyền địa phương là những người “ra đề” và sử dụng những sản phẩm đầu tiên của các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo. Khi chúng ta có tư duy mở muốn xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thì sẽ có những sáng tạo về chính sách như: hỗ trợ nguồn vốn mồi ban đầu, có quỹ đầu tư, đặc biệt là cơ chế thúc đẩy đầu tư tư nhân, chính sách thí điểm để đưa san phẩm công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh…Ngoài ra, các chính sách về visa, di trú, đất đai sẽ thu hút các chuyên gia, những người Việt kiều ở nước ngoài đem trí tuệ, nguồn lực để phát triển hệ sinh thái mở cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Mô hình đổi mới sáng tạo mở tập trung vào những hệ thống kết hợp và mạng lưới rộng, linh hoạt và tùy chỉnh, đổi mới liên tục

Bà Đỗ Thị Thu Huyền, Giám đốc đào tạo kiêm Trưởng đại diện khu vực Bắc Âu Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ cho rằng, đổi mới sáng tạo mở thúc đẩy trao đổi kiến thức, ý tưởng và hợp tác giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – tổ chức quốc tế – Chính phủ – cá nhân. Đổi mới sáng tạo mở kết nối chủ sở hữu vấn đề với các cá nhân và doanh nghiệp, startup; khám phá giải pháp đột phá, giải quyết vấn đề và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã hình thành, là điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo mở. Chẳng hạn như các start-up có nhiều sản phẩm công nghệ, các nhóm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu sẵn sàng tham gia mạng lưới chuyên gia để giải quyết bài toán của doanh nghiệp. Cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy, hỗ trợ để quá trình giải quyết bài toán cho doanh nghiệp nhanh hơn, hoàn thiện hơn…

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, cần kết nối các thành phần nêu trên, và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động đặt bài, nêu các thách thức của doanh nghiệp cho các bên tham gia giải quyết. Để tận dụng được nhiều tri thức công nghệ nhất, doanh nghiệp cần hình thành nền tảng công nghệ đổi mới sáng tạo mở để đưa ý tưởng của mình ra bên ngoài, cho phép doanh nghiệp khác sử dụng, hay tìm nguồn công nghệ bên ngoài. Nền tảng công nghệ đổi mới sáng tạo không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận cơ hội làm việc, hợp tác mới trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp). Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đổi mới sáng tạo mở.

P.H (tổng hợp)