Tạo dựng yếu tố cốt lõi cạnh tranh trong thời đại số

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã, đang nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững có định hướng trong tương lai. Chính những mô hình đổi mới sáng tạo, khai thác sức mạnh công nghệ… sẽ tạo nền tảng để Việt Nam có thể cạnh tranh công bằng với các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sinh viên Đồng Nai với các sáng chế công nghệ

Đảng và Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách linh hoạt, tuy nhiên các đơn vị khởi nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường và lựa chọn hướng đi một cách hợp lý. Thông thường một startup phải mất từ 3 đến 5 năm cho một phương thức riêng, một sản phẩm sáng tạo, nhưng để sao chép ý tưởng đôi khi chỉ cần vài tháng. “Căn bệnh” này khiến các dự án sớm phá sản khi chưa kịp hoàn vốn.

Theo TS. Phạm Hồng Quất: Những mô hình đổi mới sáng tạo, khai thác sức mạnh công nghệ, trí tuệ sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Thời điểm hiện tại vẫn là khoảng thời gian thử thách để chứng minh năng lực của các startup với công nghệ mới, tiêu biểu là những mô hình, sáng kiến thích ứng với bối cảnh mới và giải quyết vấn đề xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. Do vậy các startup Việt cần tập trung vào công nghệ lõi và mô hình kinh doanh hiện đại hơn. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân trẻ giỏi công nghệ và nhạy bén, năng động trong tìm kiếm, ứng dụng mô hình kinh doanh sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ tiềm năng.

Nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai chọn lối đi riêng

Theo ông Phí Anh Tuấn – Giám đốc công ty tư vấn CNTT PAT, Phó chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chuyển đổi số doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Thời đại số hiện nay là thời đại không chỉ đúng với việc “Cá lớn nuốt cá bé” nữa mà còn phải lưu tâm đến việc “cá nhanh nuốt cá chậm”, nghĩa là phải biết chớp thời cơ, đi nhanh và chắc chắn. Ông Phí Anh Tuấn chia sẻ:

Các doanh nghiệp đang sống trong một môi trường mà tốc độ thay đổi về mặt công nghệ rất nhanh. Chúng ta không nói đến câu chuyện thay đổi hàng quý, hàng năm nữa mà chúng ta nói đến câu chuyện thay đổi hàng tháng, thậm chí là nửa tháng. Nếu chúng ta không tiếp cận với sự thay đổi đó đặc biệt là về môi trường số hóa thì chúng ta sẽ bị chậm chân – đó là điều chắc chắn. Trước đây chúng ta hay nói rằng là “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng bây giờ trong môi trường phát triển nhanh của công nghệ thì chúng ta có thêm một câu nữa là “cá nhanh nuốt cá chậm”.

Trong quý 2-2023, các start-up tại Việt Nam gọi được tổng số vốn 413 triệu USD, vượt qua các start-up tại Indonesia với tổng số vốn 327 triệu USD.  Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đứng vững vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang miệt mài trên con đường gọi vốn, các doanh nghiệp non trẻ họ vẫn phải đi con đường này để giải quyết những khó khăn về vốn, tạo cơ sở vật chất ban đầu và mở rộng sản xuất.

Tuy vậy, việc gọi vốn thành công, “tăng trưởng bằng mọi giá” có phải là đích đến cuối cùng của doan nghiệp khởi nghiệp?  Nhiều doanh nghiệp thường nghĩ đơn giản cứ gọi vốn, mở rộng quy mô là mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên, tư duy này thường dẫn đến rủi ro nếu tỷ lệ nắm giữ của họ không đủ quyết định doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp có tiềm năng phát triển đã phải trả giá cho việc lựa chọn chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá”, có thể thấy, lựa chọn sai sẽ khiến doanh nghiệp phải gục ngã. Chính vì vậy, việc gọi vốn thành công chưa phải là yếu tố sống còn mà hơn thế nữa, nếu kinh doanh không thể sinh ra lợi nhuận, hoặc chứng minh tiềm năng tạo ra lợi nhuận thì sớm muộn các quỹ cũng nói lời chia tay. Chỉ khi hội tụ đầy đủ các yếu tố như sản phẩm tốt, đáp ứng đủ nhu cầu cấp thiết của thị trường cùng một đội ngũ tâm huyết để phát triển lâu dài, startup mới đủ sức gọi vốn và giữ chân các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng)Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: Các quỹ đầu tư đi quản lý tiền đầu tư của các nhà đầu tư để đầu tư vào các công ty. Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng thế, chúng tôi sẽ đầu tư tiền để giúp các công ty phát triển và khi các công ty khởi nghiệp thành công, mang lại kết quả, khoản lợi nhuận từ khoản đầu tư càng lớn thì mới có nhiều nhà đầu tư uy tín họ mới tin tưởng và đầu tư vào.

Theo lời khuyên của các chuyên gia giàu kinh nghiệm: Thay vì tìm kiếm các nhà đầu tư không phù hợp, các startup cần phải tập trung mục tiêu chính là phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ số đang thay đổi như vũ bảo, kể cả những “ông lớn” vẫn có thể sụp đổ nếu không giá trị cốt lõi cho riêng mình.

Kết nối cho các dự án khởi nghiệp tại Đồng Nai

Ông Phí Anh Tuấn nói thêm: Chúng ta nói đến câu chuyện của Yahoo trước đây rất “ghê gớm” nhưng cuối cùng “chậm chân” thì cũng bị xóa sổ. Có những doanh nghiệp bé, đầu tiên không lớn điển hình như Thế giới di động, lúc đầu chỉ có 1 cửa hàng thôi, nhưng biết áp dụng công nghệ thì họ lại vượt lên thành doanh nghiệp tỷ đô như hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ thêm: Các bạn nên tiếp cận và hiểu lĩnh vực mình đang định làm đã có trên thế giới chưa, đã có ở Việt Nam chưa. Nếu mình bắt đầu lĩnh vực đấy thì lợi thế cạnh trạng của mình là gì, nếu mình làm thì mình cần những yếu tố gì để giúp cho lĩnh vực mình định làm có bước phát triển đột phá. Chừng nào mình chưa hiểu mình, hiểu về đối thủ xung quanh có những thế mạnh gì thì khi các bạn bắt đầu, khả năng thất bại của các bạn cũng rất cao.

T.Quế