Tạo dựng cơ chế chính sách linh hoạt cho khởi nghiệp

Bốn vấn đề quan trọng nhất về cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực chính là các yếu tố cần đặc biệt được quan tâm để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công và bền vững.

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam chúng ta cũng đã có cách thức nhìn nhận mới và những sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã liên tục có nhiều đổi mới, nhanh gọn, đơn giản về thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển.

  

Từ năm 2018 Đồng Nai ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp

Trước sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp tại Đồng Nai về những cơ chế chính sách “bà đỡ” tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, TS.  Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông tin tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN, với nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng; bổ sung về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp khoa học-công nghệ, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 sửa đổi Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là cần hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại ba thành phố lớn và các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thu hút và gắn kết các nguồn lực trí tuệ, tri thức từ khu vực nước ngoài và trong nước, tạo ra nguồn lực “mềm” cho các trung tâm phát triển.

 Đồng thời, Quyết định 188/QĐ-TTg cũng đưa ra định hướng phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo mở, thúc đẩy và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội, tăng cường liên kết để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan quản lý, tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp có thể trở thành khách hàng đầu tiên của khởi nghiệp sáng tạo khi chủ động đưa ra đề bài để các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo cùng các vườn ươm, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo cùng nhau tìm cách giải quyết.

Kể từ sau Đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều điều chỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các startup được ban hành. Chẳng hạn như, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ nêu rõ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo và kinh phí. Với hơn 40 tổ chức hỗ trợ, vườn ươm của Chính phủ được hình thành, có thể khẳng định chúng ta có đầy đủ cơ chế chính sách, cũng như tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, đúng đắn và phù hợp để mở đường cho các startup phát triển về sau.

Tỉnh Đồng Nai thực hiện ký kết với các đơn vị đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp 

Tại Đồng Nai, nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp cũng đã được tạo dựng trong 3 năm trở lại đây: Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Vào tháng 6-2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Đề án này là cơ sở pháp lý để các cơ quan liên quan của tỉnh triển khai những nhiệm vụ cụ thể, tạo điều kiện khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho người dân. Kể từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN liên tục ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm, hội tụ giới chuyên gia, hội tụ công nghệ và tạo cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận với những xu hướng thời thượng nhất. Đây thực sự trở thành ngày hội lớn cho cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhà.

Xây dựng nền tảng kiến thức khởi nghiệp cho doanh nghiệp 

Theo đó, giới chuyên môn rất kỳ vọng về Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước. Theo TS.  Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết thêm: Đồng Nai là một trong những địa phương đã triển khai những dự án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất sớm của cả nước. Lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, tổ chức hiệp hội, VCCI có rất nhiều sáng kiến để triển khai các sự kiện, các chương trình tập huấn đào tạo, truyền thông nâng cao năng lực và nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chúng tôi tin tưởng rằng với lợi thế là một tỉnh nằm trong khu vực đang rất năng động phát triển đặc biệt là các doanh nghiệp phụ trợ gắn với những ngành sản xuất lớn, gắn với một thị trường rất lớn là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng Nai đang có rất nhiều lợi thế về nguồn lực cả về doanh nghiệp, về con người, vị trí địa lý để có thể phát triển nhiều mảng, nhiều ngành liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

T.Quế