Tầm quan trọng của tư duy nhà sáng lập và nhân sự

Để tạo tiền đề và bước đi vững chắc cho startup Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các kỳ lân quốc tế, yếu tố tư duy của người sáng lập và đội ngũ nhân sự là yếu tố cốt lõi và là 2 yếu tố quyết định. Bên cạnh yếu tố về công nghệ và chính sách là “miếng bánh” chung mà bất cứ startup nào cũng có thể có phần.

Tập huấn cố vấn khởi nghiệp tại Đồng Nai 

Đối với những chuyên gia trên lĩnh vực khởi nghiệp như ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan thì nhà sáng lập vẫn được xếp là yếu tố đầu tiên quyết định thành bại của startup:

Ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ: Nhà đầu tư sẽ nhìn vào một số yếu tố, thứ nhất đấy là con người – những nhà sáng lập bởi vì những nhà sáng lập là những người dẫn dắt công ty đó từ ý tưởng cho đến lúc thành công hay không.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có điểm mạnh nổi trội là đội ngũ nhân lực lập trình đông đảo và có khả năng thích ứng về sản phẩm rất nhanh. Theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghiệp Thông tin Việt Nam (VINASA), hiện nay số lượng lập trình viên tại Việt Nam khoảng 400.000 người. Đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được. Tuy vậy, muốn đưa những startup công nghệ vươn cao vẫn cần đến tư duy nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo về xu hướng thị trường cũng như xác định rõ ràng tầm nhìn và hướng phát triển. Để các startup Việt phát triển bền vững và đi thật xa, nhà sáng lập phải xác định rõ và tập trung sâu vào giá trị cốt lõi. Ý tưởng startup chỉ có thể bay xa nếu được chuyên chở bằng năng lực và hành động thực tế từ nhà sáng lập.

Hội thảo về khởi nghiệp 4.0 tại Đồng Nai 

Chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Đồng Nai tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan (Shark Dũng) đã nhận định:

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: Để xây dựng những ý tưởng lớn thì các bạn cần chuẩn bị rất nhiều thứ bởi vì cạnh tranh trên lĩnh vực này ngày càng nhiều, các tập đoàn lớn xuyên quốc gia họ cũng đang đến Việt Nam, khai phá thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, để bắt đầu thì dễ nhưng để thành công thì các bạn cần phải chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn và mối liên hệ với những người dẫn dắt các bạn đi tới thành công.

Trải qua thời gian chứng kiến và làm việc với các startup, ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận thấy, đa số những thất bại của các startup không đơn thuần nằm ở việc thiếu ý tưởng sáng tạo mà thường đến từ đội ngũ phát triển không đủ vững chắc. Với bất kỳ startup, doanh nghiệp nào, muốn phát triển bền vững, luôn cần đội ngũ nhân sự tốt. Những cá nhân này không nhất thiết phải là người giỏi nhất, xuất sắc nhất mà phải phù hợp định hướng của công ty. Để startup có sự khác biệt, bứt phá, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ đủ đam mê, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong thời đại việc học và đào tạo của chúng ta cởi mở và hiện đại, khả năng sáng tạo và tự chủ của mỗi người đều có môi trường để cọ xát thì việc những người lãnh đạo cần làm đó là đưa ra những mục tiêu cụ thể, chỉ rõ cho đội ngũ nhân sự thấy được tầm quan trọng của dự án, và nhiệm vụ của những người trẻ là tự tìm cách xử lý mà không hề bị áp đặt phương pháp thực hiện. Đây là điểm khác biệt so tư duy xây dựng đội ngũ truyền thống.

Ông Phí Anh Tuấn chia sẻ thêm: Tôi vẫn cho rằng, con người đóng vai trò quyết định nhất. Để làm một cải tiến thì chúng ta cần phải làm sao để trong tổ chức chúng ta hiểu được cải tiến chúng ta định làm là gì, phải cho tổ chức hiểu vì sao chúng ta nên thay đổi. Khi hiểu được thì công việc sẽ đi rất nhanh.

Ở góc độ địa phương, người thủ lĩnh cũng nắm vai trò hết sức quan trọng, định hướng chiến lược cho doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương hoạch định được đường đi, nước bước. Định hình được xu thế thời đại và hơn hết còn tham mưu hình thành những “đường băng” để khởi nghiệp có thể “cất cánh”. Nhận định về điều này, theo ông Phạm Hồng Quất nói:

Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh thêm: Chúng tôi rất ấn tượng về lực lượng lãnh đạo trẻ của các sở ngành tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trẻ, Tỉnh đoàn…đều rất tích cực. Trong mỗi địa phương thì đều rất cần những thủ lĩnh, những người tâm huyết, những người dẫn dắt để giúp cho việc kết nối các nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay Đồng Nai đang xuất hiện những thủ lĩnh đó, kể cả trong trường đại học, trường tư, doanh nghiệp. Khi chúng ta kết hợp được các nguồn lực lại với nhau thì chúng ta sẽ có một hệ sinh thái bền vững. Tôi rất tin trong một thời gian gần các thủ lĩnh trẻ sẽ có nhiều sáng kiến  để thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Nai. Đồng Nai cần sớm thiết lập được mạng lưới cố vấn, kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đông Nam Bộ và cả nước, từ đó Đồng Nai có thể phát huy thế mạnh của mình cũng như từ đó có thể tiếp thu được mô hình, công nghệ mới từ các startup trong phạm vi cả nước và quốc tế .

Các Doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ về con đường khởi nghiệp

Đúng như giới chuyên gia đã nhận định, biểu đồ của quá trình khởi nghiệp vẫn tiếp tục đi theo xu hướng của hình chiếc phễu. Sẽ bắt đầu với vòm miệng rất rộng nhưng kết quả thành công là phần thắt lại bên dưới của chiếc phễu đó. Đặc biệt đối với khởi nghiệp công nghệ, bắt đầu manh nha rồi rộ lên thành phong trào từ khoảng năm 2013-2016, dần phát triển và định hình theo thời gian, chính những bệ đỡ tạo đường băng bằng cơ chế chính sách linh hoạt, yếu tố cốt lõi để cạnh tranh theo thời đại, tầm nhìn chiến lược của nhà sáng lập và đội ngũ nhân sự, tất cả sẽ hội tụ để tạo giá trị bền vững đưa khởi nghiệp phát triển đi lên.

T.Quế