Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được xây dựng dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, có thể lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng. Trong Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng nêu rõ mục tiêu của Đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Chính vì vậy nên vấn đề sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhiều đơn vị doanh nghiệp quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ

Song một thực trạng phổ biến hiện nay đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, hình thức kinh doanh… mà chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ. Để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp có cái nhìn rõ hơn về vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị “Vai trò sở hữu trí tuệ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo”. Tại hội nghị, ngoài các nội dung phổ biến về Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai”; thông qua thông điệp Ngày sở hữu trí tuệ 26/4/2019; các chính sách hỗ trợ trong Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực canh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập…hội nghị giành thời gian trao đổi sâu về vai trò của sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập nhằm mục tiêu chống xâm phạm, cạnh tranh không lành mạnh, tránh rủi ro và đảm bảo tính pháp lý cho sản phẩm doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh. Trước hết, việc thiết lập quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp lẫn nhau. Thực trạng khởi nghiệp tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thường mắc lỗi ở chọn tên gọi (nhãn hiệu) thuộc quyền của người khác, đó là một hình thức xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hoặc đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến công nghệ, nếu không tìm hiểu thông tin về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm công nghệ do mình tạo ra thì rất có thể sản phẩm hoặc giải pháp kỹ thuật hoặc hình dáng của nó không còn mới hoặc đã thuộc quyền sở hữu của người khác…Thiết lập bảo hộ sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo cũng là cách thức để quảng bá sản phẩm hiệu quả. Bằng việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và còn giúp tìm kiếm những khách hàng tiềm năng trong quá trình xâm nhập thị trường; Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp khách hàng phân biệt được các nhãn hiệu với nhau, tránh nhẫm lần giữa các thương hiệu; Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng là một hình thức kích thích sự phát triển của doanh nghiệp khi thông qua sản phẩm được bảo hộ nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lập niềm tin người tiêu dùng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, gia tăng lượng tiêu hàng hóa tiêu thị dẫn đến sự phát triển doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cũng theo ông Trần Giang Khuê, doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với việc phát triển kinh doanh và phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Do đó, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nâng cao kiến ​​thức về sở hữu trí tuệ. Sau khi nhận thức đầy đủ giá trị sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhanh chóng xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ thông qua các bước: Xác định nhu cầu, đánh giá khả năng bảo hộ, nộp hồ sơ và theo dõi, xử lý. Sau khi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần công bố đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua các hình thức: Trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc phát hành tờ rơi, quảng cáo, tiếp thị và hướng dẫn người tiêu dùng, qua đó nhằm mục đích thông tin về tính pháp lý của đối tượng đã đăng ký đồng thời quảng bá, khuyếch trương đối tượng và hạn chế tối đa việc sử dụng đối tượng một cách bất hợp pháp. Xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ chính là nền tảng để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển bền vững và kêu gọi được vốn đầu tư từ xã hội.

Tọa đàm về vai trò của Sở hữu trí tuệ

Khi doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp muốn đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ liên có thể liên hệ trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng để được hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu, cụ thể có thể tham khảo trên trang web của Cục SHTT là www.noip.gov.vn. Tại Đồng Nai, các cá nhân, doanh nghiệp có thể đến Sở Khoa học và Công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và cách thức nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tài liệu tối thiểu cần thiết để đăng ký nhãn hiệu gồm có: Tờ khai (theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ); Mẫu nhãn hiệu doanh nghiệp dự định đăng ký, chứng từ nộp phí, lệ phí (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quý công ty có thể thực hiện theo 2 hình thức nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (hoặc Văn phòng đại diện của Cục) hoặc nộp qua đường bưu điện cho Cục Sở hữu trí tuệ tại địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ 8A/1 Nguyễn Cảnh Chân, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, hoặc Văn phòng tại Đà Nẵng tại địa chỉ 26B, Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Nẵng.

Diệu Linh