Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ví là công cụ đòn bẩy thúc đẩy, nâng tầm cho đổi mới sáng tạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của một dự án khởi nghiệp là do sản phẩm không đạt chất lượng, thị trường không chấp nhận sản phẩm. Theo TS. Nguyễn Văn Tân-Trưởng Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng, có 7 nguyên nhân chính mà nhà đầu tư đánh giá cao các dự án khởi nghiệp là: Khả năng kéo được lượng khách hàng tốt; Danh tiếng của chủ starup tốt; Mức độ doanh thu có thể đạt như kỳ vọng; Mức độ cung cầu của sản phẩm hay dịch vụ tốt; Kênh phân phối của dự án tốt; sức hấp dẫn của ngành cao và nguyên nhân về các dự án có sản phẩm mẫu, sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Và trong các nguyên nhân khiến nhà đầu tư đánh giá không cao các dự án khởi nghiệp là việc sản phẩm không hấp dẫn và dễ sao chép. Chính quyền bảo hộ SHTT là tấm lá chắn để bảo vệ khi sản phẩm bị sao chép.
Làm thế nào để giá tăng số lượng đơn đăng ký bảo hộ hàng năm, theo TS. Nguyễn Văn Tân Đồng Nai nên có kế hoạch thúc đẩy số lượng đơn đăng ký quyền bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích hàng năm lên 2 con số; Biên soạn sổ tay SHTT cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thành lập câu lạc bộ sáng chế Đồng Nai, trên cơ sở kết nối với các trường đại học, cao đẳng, THPT…Thành lập mạng lưới mentor cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Xây dựng quy trình chuẩn cho việc đào tạo doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy, quyền SHTT là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Việc bảo hộ tài sản trí tuệ là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm cũng như các ngành nghề kinh doanh. Nếu không có sự bảo hộ SHTT thì các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp khó có thể bảo hộ được uy tín và thương hiệu của mình.
Quyền sở hữu trí tuệ được coi như một tài sản của doanh nghiệp. Bảo hộ quyền SHTT là nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. Là một tỉnh công nghiệp, với số lượng doanh nghiệp lớn, ngoài ra, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, số lượng các sản phẩm sáng tạo được ghi nhận tương đối nhiều từ các cuộc thi như: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sáng tạo kỹ thuật, Chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập, Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp cùng sản phẩm OCOP…Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm sáng tạo còn rất khiêm tốn.
Theo số liệu từ Cục SHTT- Bộ KH&CN, từ năm 1987 đến nay, số lượng đơn đăng ký sáng chế của tỉnh Đồng Nai nạp cho Cục SHTT là 178 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trong đó, có 40 bằng sáng chế được cấp, (tỷ lệ 18,6%), tỷ lệ bằng được cấp so với đơn đăng ký rất thấp. Tuy nhiên, Đồng Nai được mệnh danh là tỉnh Công nghiệp, do vậy cần có giải pháp để gia tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ.; Về bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, tính đến nay, Đồng Nai có trên 680 lượt đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, trong đó có 573 bằng được công nhận (tỷ lệ 84%), về nhãn hiệu có xu hướng tăng và số lượng, tính đến tháng 2-2022, tỉnh Đồng Nai có hơn 10.200 đơn đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu, trong đó có 56% được cấp chứng nhận. Riêng trong năm 2021 vừa qua, tỷ lệ hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế của Đồng Nai chỉ chiếm 0,7% của cả nước, chiếm 3% khu vực Đông Nam bộ, trong đó chỉ có 1 sản phẩm được cấp bằng (cả nước có 151 bằng được cấp). Ngoài ra, số lượng văn bằng bảo hộ SHTT được cấp cho cho các giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu cũng ở mức khiêm tốn (từ 1,1-2,0% so với cả nước).
Phân tích quyền SHTT đối với sản phẩm Cao An xoa An Hòa – sản phẩm của dự án đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp năm 2019 và đạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2020, TS. Nguyễn Văn Tân-Trưởng Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, để bảo hộ và phát triển sản phẩm tốt hơn, chủ doanh nghiệp đã chủ động đăng ký bảo hộ SHTT cho sản phẩm trên các yếu tố: nhãn hiệu (An Hòa); kiểu dáng công nghiệp (vỏ hộp, lọ đựng); sáng chế (quy trình sản xuất cao; công thức làm cao); bí mật kinh doanh: quy trình sản xuất cao, công thức làm cao); quyền tác giả: vỏ hộp, nhãn sản phẩm, lọ đựng); giống cây trồng (giống cây An Xoa); tên thương mại (An Hòa). Từ các cuộc thi về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, có khả năng thương mại hóa rất tốt như: Nhang sạch Vân Hương; nước ép thanh long đỏ lên men Anna; chuối sấy Cường Hoa…trong đó, một số sản phẩm vẫn chưa được đăng ký bảo hộ SHTT.
Ngọc Vy