UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Kế hoạch nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định, việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, năm 2021, việc áp dụng thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt các mục tiêu, kế hoạch chủ yếu về công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng sản xuất tiêu dùng bền vững cũng như học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các tỉnh.
Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 tập trung vào 6 nội dung chính bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệ, các siêu thị, trung tâm thương mại và cộng đồng dân cư; tuyên truyền qua tài liệu, hình ảnh; tổ chức thực hiện các chương trình tập huấn; hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; học tập kinh nghiệm các mô hình đã áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc trong năm nay; triển khai hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn.
Thuyết trình các dự án sản xuất sáng tạo tại ngày hội khởi nghiệp Đồng Nai
Hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp là một trong 6 nội dung trọng tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp. Trong đó, sản xuất sạch hơn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bước đầu ghi nhận được những kết quả tích cực. Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2010 với rất nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 15 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn cho hơn 1.300 doanh nghiệp tham gia và thực hiện đánh giá nhanh 11 doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp được khuyến cáo đầu tư mới công nghệ có hiệu quả về mặt môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp đã tiết kiệm 9 – 32% năng lượng tiêu thụ, tương đương với việc giảm được 9 – 32% chi phí nhiên liệu sử dụng. Kết quả, các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm được tổng sản lượng điện hơn 2,8 triệu kWh/năm, 312.000 tấn dầu/năm và hàng trăm tấn gas. Đặc biệt, áp dụng các quy trình sản xuất sạch hơn đã giảm 2.800 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Từ lợi ích về kinh tế và môi trường đã được chứng minh trong thực tế, đến nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quan tâm và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn tại cơ sở mình. Một trong số đó là Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành) chuyên về sản xuất găng tay cao su. Năm 2014, doanh nghiệp quyết định đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng cho hệ thống lò hơi mới sử dụng dầu FO, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại tiết kiệm cho công ty trên 200 triệu đồng mỗi tháng, tổng sản lượng công ty hằng năm gia tăng từ 10 – 12%.
Diệu Linh