Đồng Nai hiện có hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhỏ và hệ thống các cửa hàng tiện lợi có mặt trên địa bàn, đây được xem là kênh phân phối quan trọng và hiện đại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ nhằm đưa các sản phẩm này kết nối với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ.
Chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc siêu thị Coopmart Biên Hòa cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị Coopmart cả nước có trên 100 siêu thị và gần 800 cửa hàng Coopfood. Siêu thị luôn tạo điều kiện để các sản phẩm của nông dân có mặt trên hệ thống. Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo bà Uyên, để đưa hàng hóa vào siêu thị, vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp phải kiên nhẫn và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của siêu thị trong suốt quá trình đàm phán. Siêu thị Coopmart Biên Hòa sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể COOP, các sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận để sản phẩm có mặt trên hệ thống.
“Rất nhiều doanh nghiệp khi làm hồ sơ, thủ tục đến 2/3 chặng đường thì lại ngừng, không làm nữa. Nguyên tắc để vào siêu thị là các sản phẩm phải được kiểm nghiệm và theo từng chu kỳ phải kiểm tra. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức trong công tác thẩm định, vấn đề là doanh nghiệp phải kiên nhẫn theo đuổi đến cùng. Vào được siêu thị, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ có sự điều tiết của hệ thống, tạo điều kiện phát triển bền vững chứ không bấp bênh như bên ngoài”, bà Uyên chia sẻ.
Đại diện Ban quản lý Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho hay, chợ đầu mối đã đi vào hoạt động đến nay được khoảng 5 năm và chuyên cung ứng các sản phẩm kinh doanh chủ yếu như: rau, củ, quả, mặt hàng trái cây tươi… Để có mặt tại chợ thì các sản phẩm nông sản đầu vào phải luôn bảo đảm chất lượng đặt lên hàng đầu và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo các doanh nghiệp, để vào được hệ thống các siêu thị, ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng đây là cơ hội rất lớn để tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) cho biết, đến nay HTX đã có 13 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Hiện các sản phẩm này đã kết nối vào được hệ thống các siêu thị. Song doanh nghiệp vẫn mong muốn mở rộng hợp tác, kết nối với các đơn vị, trạm dừng chân để mở rộng kênh phân phối sản phẩm.
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm
Để hỗ trợ, đưa sản các phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương đến với kênh siêu thị, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình kết nối, xúc tiến thương mại.
Để sản phẩm có mặt trên kệ các siêu thị là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (H.Long Thành), hiện doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bánh kẹo từ sữa. Là sản phẩm đặc sản của địa phương nên doanh nghiệp cũng mong muốn mở rộng khâu phân phối, đưa hàng hóa vào siêu thị. Khi đưa được hàng vào siêu thị để bày bán, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để xây dựng thương hiệu, phát triển kế hoạch dài hơi của mình.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, Đồng Nai là địa phương có đông doanh nghiệp hoạt động, với nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm khởi nghiệp. Khi đạt được chứng nhận của tỉnh là điều kiện thuận lợi bước đầu có thể hợp tác được với hệ thống phân phối hiện đại. Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp, sản phẩm OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, truyền thông. Từ đó, tạo điều kiện để sản phẩm của địa phương thâm nhập vào các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm.
“Thông qua chương trình kết nối cũng góp phần giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Đồng Nai, giảm khâu trung gian để sản phẩm tốt, đặc sản địa phương dễ dàng đến tay người dùng với giả cả hợp lý. Điều quan trọng là giới thiệu được với người tiêu dùng các sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa của địa phương và là bước đầu để doanh nghiệp tiếp cận, làm việc với các chuỗi phân phối. Về phía doanh nghiệp cũng cần tăng cường uy tín, chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì để đáp ứng yêu cầu của siêu thị”, ông Phong nói.
Để kết nối sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, ngày 22/92022, Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Giải pháp kết nối sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối trên địa bàn”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện về Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh Đồng Nai (Techfest Dong Nai 2022).
Tham dự sự kiện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối đã gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, những lưu ý cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương khi làm thủ tục để đưa hàng hóa vào trưng bày, bán tại hệ thống siêu thị. |
Minh Khôi