Nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương

Nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án khởi nghiệp ở địa phương

Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đề xuất, góp ý các nội dung Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2026.

Trong đó có các định hướng quan trọng về phát triển KHCN&ĐMST gắn với phát triển KT-XH tập trung vào một số nội dung quan trọng như:  Khẳng định vai trò của KHCN&ĐMST như một đột phá chiến lược, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KHCN&ĐMST; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH.  Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KHCN&ĐMST trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Sinh viên Đồng Nai tham gia hoạt động KNĐMST

Theo Học viện Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo, các Sở KH&CN nghiên cứu, sử dụng một số chủ trương, định hướng phát triển KHCN&ĐMST gắn với phát triển KT-XH để làm căn cứ khi đề xuất quan điểm, định hướng phát triển KHCN&ĐMST trong thời gian tới đây. Tiếp tục là đầu mối tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hành lang lang pháp lý, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao ngành KH&CN là đầu mối quốc gia về KN ĐMST.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định quản lý về: phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo chiều sâu của ngành, lĩnh vực, địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội đất nước, địa phương; cơ chế phối hợp, điều tiết nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa trung ương và địa phương; Xây dựng cơ chế và hệ thống đánh giá, xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các ngành, địa phương; cơ chế đánh giá, xếp hạng các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ, tổ chức tư vấn dịch vụ, đơn vị truyền thông, chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên, cán bộ quản lý khởi nghiệp sáng tạo; cơ chế quản lý thông tin các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo;  Hình thành và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia với định hướng thúc đẩy liên kết hợp tác trong nước, khai thác tối đa nguồn lực quốc tế, đặc biệt lực lượng sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia là người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài;

Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai tổ chức các chương trình hỗ trợ về KNĐMST

 Hình thành, công nhận các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quy mô quốc gia trước mắt tại các thành phố lớn và hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quy mô vùng, địa phương theo mô hình tổ hợp dịch vụ tập trung, trên cơ sở hạ tầng sẵn có, làm hạt nhân kết nối, điều phối các hoạt động trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, chính sách thí điểm đối với hệ thống các trung tâm; tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong hệ thống các trung tâm.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ tháng 5-2018, UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Kế hoạch có 3 nội dung chính gồm: hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thúc đẩy thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Mục tiêu chính của kế hoạch từ nay đến năm 2023 là đưa chỉ số khởi nghiệp của tỉnh tăng hơn 20%, hỗ trợ 30 dự án khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng 5 dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cùng với kế hoạch này, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp với 27 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh làm Chủ tịch. Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển về khởi nghiệp, “hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xét chọn, tổ chức các chương trình, đề án, dự án về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm đầu mối liên kết, chia sẻ các nguồn lực khởi nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn KNĐMST tỉnh Đồng Nai

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ cho biết, Sở sẽ tiếp tục đồng hành với các dự án khởi nghiệp, tiếp tục nỗ lực để tạo ra được không gian riêng, đồng thời là nơi gắn kết các đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng năm cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển “hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh truyền thông về hoạt động trên lĩnh vực này đồng thời thúc đẩy cho việc hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Thảo Quế