Vốn có lợi thế về phát triển nông nghiệp, vậy nên trong thời gian gần đây, tại Đồng Nai nhiều cá nhân, doanh nghiệp chọn con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp. Tuy nhiên để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp thì nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức. Trong đó, xây dựng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho nông sản là yếu tố quan trọng tạo dựng nền tảng khởi nghiệp vững chắc.
Trong thời gian qua, vấn đề bảo hộ SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm. Việt Nam là một quốc gia với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu. Cả nước hiện có khoảng 1.000 sản phẩm nông – lâm- thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương. Đến cuối năm 2021, Việt Nam bảo hộ 113 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 7 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và trên 1.457 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ. Trong số đó, có rất ít nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, Thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn, cà phê Buôn Ma Thuật….Cũng theo ông Trần Lâm Sinh, đa số các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài đầu ở dạng xuất thô, không nhãn mác, thương hiệu. Vấn đề bảo hộ SHTT là yêu cầu cấp bách, cần phải làm.
Nhiều đặc sản địa phương của Đồng Nai có thị trường ổn định
Thực tế hiện nay, ngoài các nông sản chủ lực của Việt Nam được thế giới biết đến cần được bảo hộ thì nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, nhiều sáng tạo hữu ích của các tập thể, cá nhân cũng cần cần được chú ý đến vấn đề bảo hộ SHTT. Theo ông Trần Lâm Sinh, trong sản xuất nông nghiệp, chính người sản xuất cần chủ động nắm bắt, các quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của mình trong tất cả các mặt về: giống, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…Trong nông nghiệp, bí mật kinh doanh có thể là quy trình sản xuất, quy trình chế biến…Bảo hộ SHTT. Bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng cường bảo hộ SHTT không chỉ mang lại lợi ích cho các tổ chức, cá nhân liên quan mà cả các quốc gia, dân tộc; Bảo hộ SHTT giúp chủ thể có quyền định đoạt quyền bán hoặc chuyển giao sở hữu để mang về lợi ích tài chính; giúp sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, duy trì được lượng khách hàng, thu hút khách hàng tiềm năng, tăng doanh số và lợi nhuận, giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, góp phần chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt đối với cây trồng, việc đăng ký quyền bảo hộ là đặc biệt cần thiết khi Việt Nam đã tham gia tổ chức Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới –UPOV, đó là khi thực thi đúng việc bảo hộ thì tạo ra sự cạnh tranh sòng phỏng và chúng ta có nhiều lợi ích hơn đối với giống cây trồng của mình. Hiện chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại khoảng 100 giống gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Thực hiện tốt tác quyền sẽ kích thích sự phát triển trong sản xuất.
Tỉnh Đồng Nai quan tâm xây dựng phát triển nông nghiệp hiện đại
Tại Đồng Nai, sản phẩm nông nghiệp được coi là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp chung của cả nước. Do vậy thực hiện có hiệu quả nội dung về bảo hộ SHTT đối với sản phẩm nông nghiệp không chỉ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người nông dân và doanh nghiệp mà còn là để sản phẩm nông nghiệp phát triển vững vàng, tự tin tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới, góp phần thằng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Theo ông Trần Lâm Sinh, đối với các trường hợp sản phẩm có nhiều lựa chọn bảo hộ thì nên ưu tiên bảo hộ loại tài sản tạo ra giá trị lớn nhất và giải quyết vấn đề quan trọng nhất. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng SHTT được thể hiện ở việc vừa khai thác tài sản đó, vừa thiết lập hành lang bảo vệ đối với quyền SHTT. Để góp phần đạt mục tiêu chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030, ngành nông nghiệp trách nhiệm triển khai các giải pháp thúc đẩy 4 trụ cột chính của chu trình phát triển tài sản trí tuệ: Sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và bảo vệ quyền SHTT đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án, chương trình với mục đích tập trung đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản là tiềm năng lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, nông dân phát minh, sáng chế các giải pháp áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, phát hiện các giống cây trồng mới. Xây dựng kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa các mặt hàng nông sản; phối hợp với địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, SHTT cho các sản phẩm trong nông nghiệp.
Ngọc Vy