Luật Chuyển giao công nghệ: Tạo thêm môi trường pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 

Doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Trong đó,  Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) số 07/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, thay thế Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) bổ sung một số vấn đề mới như: Thẩm định công nghệ dự án đầu tư; chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nâng cao năng lực phát triển công nghệ trong nước… Hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo hành lang pháp lý bền vững đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 60 Điều, cụ thể Chương I – Những quy định chung; Chương II – Thẩm  định công nghệ dự án đầu tư; Chương III – Hợp đồng CGCN; Chương IV – Biện pháp khuyến khích CGCN, phát triển thị trường KH&CN; Chương V – Quản lý nhà nước về CGCN; Chương VI – Điều khoản thi hành.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Sau 10 năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp được với xu thế đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CGCN để tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KH&CN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung chính sách ưu tiên CGCN để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước.

Trao đổi về các vấn đề liên quan đến pháp luật khi chuyển giao công nghệ 

Điểm mới của Luật CGCN (sửa đổi) là bổ sung một chương (Chương II, gồm có 9 điều) quy định công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ; quy trình, thủ tục thẩm định, lấy ý kiến đối với từng loại dự án. Đồng thời, quy định việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư.

Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung quy định về CGCN trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy CGCN, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại với hình thức, phương thức CGCN đặc thù trong nông nghiệp. Luật khuyến khích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý trong nông nghiệp.

Để nâng cao năng lực phát triển công nghệ trong nước, Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung chính sách ưu tiên CGCN để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, Nhà nước khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Luật CGCN (sửa đổi) cũng thể hiện sự thay đổi về tư duy đối với hoạt động CGCN khi không quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Việt Nam cần ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, từng bước tự chủ về công nghệ. Doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng được Luật khuyến khích và hỗ trợ. Cụ thể, Luật tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Theo Bộ KH&CN, Luật CGCN (sửa đổi) đã kế thừa được những nội dung tiến bộ của Luật CGCN 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Từ đó, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.

Để triển khai Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), sau khi được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật. đồng thời cũng đã ban hành một số Thông tư nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Diệu Linh