Khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sở hữu trí tuệ (SHTT), vào Ngày SHTT thế giới (26/4) năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã tổ chức Talkshow “Sở hữu trí tuệ: Phụ nữ trên đường băng thương hiệu Việt”. Trong chương trình, các diễn giả đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để hình thành nên các tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng những tài sản trí tuệ này vào thực tế để hình thành nên các mô hình khởi nghiệp; những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống SHTT và những giải pháp để nâng cao nhận thức về SHTT trong cộng đồng…

Các diễn giả chia sẻ trong chương trình talkshow

* Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Chia sẻ tại chương trình tọa đàm, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì việc quan tâm đăng ký bảo hộ, khai thác, quản lý các tài sản trí tuệ là rất quan trọng. Trước hết, hệ thống SHTT giúp viêc tra cứu, định hướng tất cả các thông tin nghiên cứu sáng tạo áp dụng vào sản xuất kinh doanh, tránh nghiên cứu trùng lặp. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo và các tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp có những nghiên cứu đổi mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới, sản phẩm độc, lạ, khác biệt, có giá trị cao trên thị trường. Không những thế, SHTT còn giúp cho danh tiếng, uy tín của những nhà nghiên cứu, sáng tạo cũng như những doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học được đánh giá, định giá cao hơn.

Ông Trần Giang Khuê cũng cho hay, số lượng đăng ký SHTT thời gian qua có tăng. Năm 2020-2022, lượng đơn đăng ký nhãn hiệu khoảng 56 ngàn đơn…Tuy nhiên tiêu chí SHTT trong chỉ đố đổi mới sáng tạo đang ở mức độ gần như dậm chân tại chỗ. Đầu tư bài bản trong xây dựng tài sản trí tuệ còn ít, chỉ có doanh nghiệp lớn quan tâm. Nguyên nhân là do sự eo hẹp của nguồn tài chính dẫn đến đầu tư cho SHTT chưa cao; còn có tâm lý suy nghĩ rằng tài sản trí tuệ chưa trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của doanh nghiệp, cộng đồng.

Để cải thiện tình trạng này, ông Khuê cho rằng cần sửa đổi cơ chế chính sách, quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhất. Tích cực tuyên truyền hơn để nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng, thông tin về SHTT cho doanh nghiệp, cộng đồng.

Một số gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ Đồng Nai

Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ, SHTT là hoạt động khá mới mẻ với các trường đại học nói chung và các trường đại học ở Đồng Nai nói riêng. Thời gian qua, các trường có đưa hoạt động SHTT vào quá trình vận hành nhưng còn lúng túng bởi các trường đại học chưa xây dựng được quy định về SHTT phù hợp; chưa có bộ phận phụ trách hoạt động SHTT; nhà nghiên cứu khoa học chưa nhận thức, quan tâm đăng ký những bằng nghiên cứu, sáng chế của mình.

* Khuyến khích phụ nữ tham gia vào hệ thống SHTT

Riêng đối với phụ nữ, theo Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), hiện có quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống SHTT. Điều đó có nghĩa là có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ SHTT. Chính vì thế, WIPO đã lựa chọn chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm khuyến khích nhiều phụ nữ hơn sử dụng hệ thống SHTT để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của họ.

Tại Đồng Nai, từ năm 2020 đến 2022, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, có 19/63 đề tài/đề án khoa học công nghệ có chủ nhiệm là nữ, chiếm 30%. Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo, có 09/22 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt giải cấp tỉnh do phụ nữ khởi sướng, chiếm 40%.

Chia sẻ trong chương trình Talkshow, Bà Bùi Thị Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam tỉnh Đồng Nai cảm thấy vinh dự vì chủ đề năm nay lựa chọn phụ nữ làm nòng cốt. Phụ nữ ngày càng tự tin, mạnh dạn bước ra xã hội để tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội. Những năm vừa qua, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia, nhiều chị em đã có nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình. Tuy nhiên hoạt động SHTT đối với phụ nữ rất mới, nhiều chị em chưa hiểu biết để có thể tham gia. Thời gian tới Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết về SHTT cho các chị em phụ nữ, từ đó khẳng định được giá trị sản phẩm của mình.

Ông Trần Giang Khuê mong tất cả các giới, các cơ quan ban ngành quan tâm đến SHTT, nhất là nữ giới. Cũng theo ông Khuê, cơ chế chính sách là quan trọng nhất, cùng với đó phải có bộ phận chuyên trách để hoạt động quản lý, có nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai. Đặc biệt, các ngành, các giới, nhất là các trường đại học cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các học viên, giảng viên về SHTT.

Quang cảnh buổi Talkshow

“Quan trọng là nhận thức của chúng ta, ý thức của mỗi chủ thể quyền, coi nó là tài sản thì chúng ta sẽ bảo vệ, biết cách khai thác, sử dụng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mở, thủ tục đăng ký đơn giản hơn để thuận lợi cho doanh nghiệp” – ông Dương Thành Long – Tổng giám đốc Aliat Legal nhấn mạnh.

Việt Nam nói chung, trong đó có Đồng Nai cũng đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ để giúp họ sử dụng sở hữu trí tuệ như là công cụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp… Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sở hữu trí tuệ, góp phần hoàn thiện khung pháp lý và đưa hoạt động này ngày càng đi vào thực tiễn hơn.

Về những chính sách mà Đồng Nai đã và đang thực hiện trong việc hỗ trợ bảo hộ SHTT, Giám đốc Sở KH&CN Lại Thế Thông cho biết, với mục đích hỗ trợ phát triển hệ thống SHTT ở tất cả các khâu từ giai đoạn tạo lập ban đầu, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa SHTT thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, trong gian đoạn 2016-2020 Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016 – 2020. Trong giai đoạn này,  Sở KH&CN đã hỗ trợ gần 230 đơn vị đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ đăng ký hơn 95 nhãn hiệu như: xoài Phú Lý, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa, bưởi da xanh Ba Dẩu, khổ qua rừng Hiệp Vân, các sản phẩm chế biến từ sen của HTX Trường Phát …

Giám đốc Sở KH&CN cho biết thêm, trong giai đoạn sắp tới đây, thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Sở KH&CN đã chủ động tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND. Sở KH&CN cũng đã hoàn thiện quy trình hỗ trợ cho các đơn vị có nhu cầu xác lập quyền SHTT và thời gian tới sẽ công bố rộng rãi trên các trang thông tin chính thức của Sở để các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh biết và tham gia nếu có nhu cầu.

Nhắn nhủ tới chị em phụ nữ nhân Ngày SHTT thế giới năm 2023, ông Lại Thế Thông mong chị em phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động SHTT và đổi mới sáng tạo.

P.Hương