Ưu tiên khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ

Tận dụng lợi thế của địa phương, nhiều nông dân tại Đồng Nai đang tìm hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ cũng đang là xu hướng chung của nông nghiệp hiện đại và là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp sạch có thể chiếm lĩnh thị trường.

Nuôi trồng hữu cơ là xu hướng nông nghiệp hiện đại 

Tỉnh Đồng Nai có nhiều tiềm năng và lợi thế là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng và vật nuôi đặc sản thế mạnh; nhiều vùng, khu vực sản xuất có đất đai màu mỡ, nguồn lao động dồi dào với nhiều kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn, khi mức thu nhập của người dân tăng nhanh, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Tham quan mô hình trồng bưởi hữu cơ 

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh có 03 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 7 ha, cụ thể: có 01 mô hình hồ tiêu hữu cơ với quy mô 3,5 ha và 02 mô hình rau hữu cơ với quy mô 3,5 ha. Bên cạnh đó, hiện Đồng Nai đang triển khai xây dựng trên 80 mô hình sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454,42 ha và 23.000 con gà, 520 con heo, 200 con bò. Dự kiến cuối năm 2022, có 17,8 ha hồ tiêu và 4,5 ha sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ tương đối tốt, việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cơ bản thông qua các hợp đồng. Tuy vậy, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn khiêm tốn, các khu vực sản xuất hữu cơ bước đầu ở dạng mô hình, diện tích sản xuất nhỏ, đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm; việc đầu tư công lao động trong sản xuất hữu cơ khá cao, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, …

Bưởi hữu cơ 

Thời gian tới giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh là tiếp tục thực hiện xác định các vùng có tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức về xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; thông qua các kênh truyền thông như báo chí, hội thảo, tuyên truyền miệng…để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp đặc biệt người sản xuất thấy rằng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cho vật nuôi, cây trồng và con người. Khuyến khích sử dụng các giống có năng suất cao, tính kháng bệnh tốt; Thực hiện quản lý giống được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, phụ gia, nước tưới cho cây trồng và nước dùng cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng trong sản xuất hữu cơ. Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Ngọc Vy