Theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), khai thác tài sản trí tuệ sẽ góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể chính của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân sáng tạo thêm nhiều tài sản trí tuệ, qua đó thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi các tổ chức sáng tạo tài sản trí tuệ cần tạo ra nhiều tài sản trí tuệ hơn; sau khi các tài sản trí tuệ được tạo ra, chúng cần được khai thác (bán, chuyển nhượng, cấp phép sử dụng, khởi nghiệp) một cách nhanh chóng. Có thể khai thác tài sản trí tuệ thành nguồn lực tài chính.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm là hai đối tượng phổ biến được trông đợi nhiều nhất. Tài sản trí tuệ với hai đặc điểm hấp dẫn có thể giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư mới hoặc có được các điều kiện tài chính thuận lợi hơn. Đó là, tài sản trí tuệ và các quyền đối với tài sản trí tuệ tiết lộ cho các nhà đầu tư về chất lượng quản lý, khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Thứ hai, với tư cách là các nguồn lực kinh tế được bảo vệ hợp pháp, tài sản trí tuệ và các quyền đối với tài sản trí tuệ có thể giúp nâng cao lợi nhuận dự kiến của một doanh nghiệp, có thể được tách ra khỏi hoạt động kinh doanh và bán hàng trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc tăng vốn đầu tư và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư
“Việc khai thác tài sản trí tuệ thành công cụ tài chính sẽ góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể nắm giữ, đặc biệt là các chủ thể đang hoạt động, tương tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tạo thêm nhiều tài sản trí tuệ, doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư,… tham gia tích cực vào các dự án khởi nghiệp; góp phần phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khoa học và công nghệ qua đó thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thiện và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” – ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc tăng vốn đầu tư và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Quỹ đầu tư mạo hiểm thường ưu tiên đặt tiền vào doanh nghiệp nắm giữ tài sản trí tuệ. Nhà đầu tư mạo hiểm thích tài trợ cho các doanh nghiệp có sáng chế đang được đăng ký hoặc đã được cấp bằng, bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường chưa có doanh số lớn để có thể chứng minh ý tưởng của họ có giá trị trong khi các sáng tạo kỹ thuật được cấp bằng sáng chế cho thấy họ đã vượt qua các tiêu chuẩn để được cấp bằng. Không những thế, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp bị phá sản, có thể bán hoặc cấp phép sử dụng bằng sáng chế cho các tổ chức khác, tức là có thể hạn chế được thiệt hại của nhà đầu tư. tài sản trí tuệ cũng có thể được sử dụng làm công cụ vay vốn các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Việt Nam có thể khai thác tài sản trí tuệ thành các nguồn lực tài chínhvới việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, trong đó nghiên cứu ban hành cáccơ chế khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ thành công cụ tài chính, tạo nguồn lực từ tài sản vô hình cho phát triển các mô hình doanh nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định đặc thù trong hạch toán tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để có căn cứ pháp lý cho việc xác định giá trị của doanh nghiệp, thiết lập các nền tảng định giá tài sản vô hình, cho phép thí điểm cơ chế đặc thù trong khuôn khổ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 16/6/2022 cũng khuyến khích “biến” các kết quả nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.
Luật Sở hữu trí tuệ lần này tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả trong việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
T.L (biên tập)