Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch Hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2030 nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định, việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

  Giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên – nhiên – vật liệu của một số ngành sản xuất như: dệt may, thép, hóa chất, rượu bia, nước giải khát…

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên – nhiên – vật liệu của một số ngành sản xuất như: dệt may, thép, hóa chất, rượu bia, nước giải khát…; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng được từ 20-30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; 80% đơn vị cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.

Năm 2030 giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên – nhiên liệu các ngành trọng điểm; 100% khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% đơn vị cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.

Kế hoạch của UBND tỉnh tập trung vào các nội dung chính là: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy SX&TDBV; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên liệu có thể tái tạo, tái sinh; Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh mua sắm bền vững; Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững và Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Kế hoạch Hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung vào thực hiện việc xây dựng và thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022 – 2030; hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững; Tổ chức kết nối, tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

       Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất

   Thông qua giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường đẫy mạnh thực hiện chương trình SX&TDBV trong công nghiệp; Tăng cường hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đối với các cơ sở mới thành lập phải thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải, đối với các cơ sở đang hoạt động phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các doanh nghiệp sai phạm, đồng thời yêu cầu các cơ sở có phương án, tiến độ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai 5 năm 2021-2025 với định hướng phát triển công nghiệp là: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghệ sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghệ dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, phát triển chuỗi ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao đi đôi với bảo vệ môi trường.

             Việc xây dựng Kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2030 là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung và nhiệm vụ “Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022-2030” của Bộ Công Thương.

Ngọc Vy