Hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách giúp các nhà khởi nghiệp có thể tiếp cận các quỹ khởi nghiệp. Tuy nhiên, để những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể trở thành hiện thực và cạnh tranh với các nước trong khu vực thì vẫn cần hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ những khó khăn trong thể chế…

Đối với startup, khả năng tiếp cận nguồn vốn là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại

* Cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là: Tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ; tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp nối Đại hội, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số luật, nghị quyết, chủ trương nhằm đưa ra chiến lược và hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng gồm: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Ông Nguyễn Đức Long, Phụ trách Cơ sở Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, Việt Nam đặc mục tiêu đến năm 2025: duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN, và đến năm 2030 là duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu. Để tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Quốc hội đã có khung pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cụ thể tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (Luật số 04/2017/QH14), hay Chính phủ cũng đã có Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị làm chính sách bao gồm: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR).

* Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam

Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý, Quỹ đầu tư ThinkZone đã chỉ ra những vướng mắc cần phải được khơi thông để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đó là: khơi thông nguồn vốn tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng khả năng ứng dụng thực tiễn của chính sách hỗ trợ của nhà nước với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai trao bảng tượng trưng hỗ trợ 2 tỷ đồng cho Quỹ đồng hành cùng startup Đồng Nai

Ông Hiếu cho rằng, đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành bại là khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Tại Việt Nam, các nguồn vốn phổ biến mà startup đang tiếp cận là nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nguồn vốn vay.

Thực tiễn cho thấy, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tại Việt Nam hiện nay, thời gian thẩm định và đánh giá của các thủ tục đầu tư gây hạn chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra các quy định về thuế, quản lý ngoại hối cũng như hoạt động quản lý của các đơn vị chủ quản còn chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, cần tạo điều kiện để đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài, cũng như đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam của startup, đồng thời hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, các nội dung cần giải trình, các tài liệu chứng minh theo hướng đảm bảo mục đích quản lý cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tương tự, với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nội địa, các đơn vị chủ quản xem xét sửa đổi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Hiện Nghị định 38 quy định rằng Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của các startup mà quỹ sẽ thực hiện đầu tư là trùng lặp các doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động kinh doanh thì cũng đã đăng ký ngành nghề và xin các giấy phép theo quy định của pháp luật; Luật Doanh nghiệp nỏ và vừa quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế, tuy nhiên trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế thì không có quy định được ưu đãi như thế nào, áp dụng ra sao; chưa có hướng dẫn về hạch toán kế toán cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo pháp luật về kế toán, cũng như về kê khai và nộp thuế theo pháp luật về thuế.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh

Với một số loại hình startup, thì nguồn vốn vay cũng rất cần thiết để startup có thể đảm bảo dòng tiền kinh doanh. Các phương án cho vay hiện nay của startup tương đối hạn chế vì: startup khó vay được ngân hàng thông thường do không có tài sản đảm bảo; startup thực hiện vay từ các quỹ cho vay nước ngoài hoặc các hình thức tín dụng khác ở Việt Nam thì thường phải chịu lãi suất tương đối cao. Ngoài ra, hoạt động thực hiện cho vay tại Việt Nam được quản lý khá chặt chẽ để thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước nên các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng bị hạn chế trong việc cấp khoản vay cho các startup. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận được các nguồn vốn vay, ông Hiếu cho rằng cần bổ sung hoạt động cấp khoản vay cho các startup vào phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, các khoản vay này cũng cần được hỗ trợ cơ chế riêng để đảm bảo lãi suất và chi phí thấp cho startup.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh kinh tế số hiện nay. Vai trò của các trung tâm hỗ trợ, vườn ươm, chương trình tăng tốc cũng rất quan trọng trọng việc hỗ trợ startup phát triển. Do đó, việc kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để mở rộng mô hình này là rất cần thiết. Vì vậy, các cơ quan chủ quản ban hành chính sách để các thành tố khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng có thể được thành lập và phát triển, như cơ sở pháp lý cho việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo có nguồn vốn tư nhân.

P.Hương