Nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2023 – Techfest Dong Nai 2023, Hội nông dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Làng Học sinh – sinh viên sáng tạo tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất nông nghiệp và các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Qua hội thảo cho thấy, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn cần thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân.
Nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân
Theo Hội Nông dân tỉnh, thông qua việc thực hiện đề án “Nâng cao vai trò Hội nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025”, Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/năm. Hàng năm, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân được bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, tập trung hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hội Nông dân tỉnh cũng tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, khởi nghiệp cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân.
Ngoài ra, giai đoạn 2020-2023, hội tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ, hội viên hội nông dân để tiếp cận các điển hình thành công trong sản xuất, khởi nghiệp thành công và ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế…
Bà Hồ Thị Sự, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp nông dân khởi nghiệp bằng nhiều mô hình hay;. Các cấp hội thường xuyên tư vấn cho hội viên, nông dân phương hướng sản xuất kinh doanh; lựa chọn các loại cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh… Các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất cũng ngày càng được quan tâm đầu tư như: Vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cần thiết từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các ngân hàng, giúp nông dân có vốn khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Chia sẻ kinh nghiệm về thế mạnh khởi nghiệp của địa phương; ứng dụng mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) cho biết, hiện nay nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, HTX chăn nuôi gà hoàn toàn theo hướng tự động. Chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm.
“Để tham gia chuỗi liên kết nuôi gà công nghệ cao xuất khẩu, các chủ trang trại phải là những người chăn nuôi có kinh nghiệm giỏi. Đối với những người muốn khởi nghiệp từ chăn nuôi, ngoài nắm vững kiến thức về chăn nuôi đòi hỏi cũng cần phải có nguồn tài chính mạnh, bởi chăn nuôi chuồng lạnh yêu cầu về nguồn vốn lớn”, ông Quyết chia sẻ.
Tạo môi trường khởi nghiệp cho nông dân
Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai như: Việc thành lập và phát triển các doanh nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, trang trại … từ các chủ thể là hội viên nông dân đều đơn lẻ, tự phát, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có sự liên kết để nhân lên sức mạnh, mở rộng quy mô và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, yêu cầu khởi nghiệp, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ, cần có sự chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hỗ trợ của các cấp, các ngành.
Đồng Nai xác định phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp.
Ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những qua, tỉnh đã xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Nai trở thành tỉnh hấp dẫn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có nhiều cơ chế chính sách đặc thù và phát triển vững chắc hệ sinh thái khởi nghiệp.
“Để khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, cần tạo cơ chế thông thoáng, không chỉ tập trung vào việc ưu đãi về thuế và đất đai; thường xuyên hỗ trợ đào tạo và phát triển năng lực cho các doanh nghiệp, HTX, nâng cao kiến thức kinh doanh và kỹ năng quản lý…”, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đoàn Tấn Đạt cho hay.
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đến nay tỉnh Đồng Nai đã ban hành 09 chính sách, chương trình và kế hoạch liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, nổi bật nhất là Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. |
Minh Khôi