Trong chuỗi sự kiện khai mạc Techfest Dong Nai năm 2022, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho Đồng Nai hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để tạo không gian khởi nghiệp cho sinh viên, nhiều trường đại học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trinh hỗ trợ cho sinh viên, tạo không gian khởi nghiệp, trao cơ hội cho sinh viên và doanh nghiệp gặp gỡ, hợp tác và mở ra cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên.
Trường Đại hoc Công nghệ Đồng Nai thành lập không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp
Trường Đại hoc Công nghệ Đồng Nai thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để sinh viên nhà trường khởi nghiệp như: Tổ chức ngày hội khởi nghiệp cho sinh viên, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp, hình thành và đưa vào trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm công nghệ…Tuy nhiên, để sinh viên có thể khởi nghiệp vững vàng, ông Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, nhà trường đã đưa vào ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm trong quá trình dạy- học và thực hành. Ông Phan Ngọc Sơn cũng bày tỏ, bày tỏ mong muốn, hãy cho chúng tôi cơ hội cùng tiếp xúc với các doanh nghiệp, startup, các trường sẽ đầu tư thật nhiều công nghệ mới, các doanh nghiệp cùng bắt tay với nhà trường để cho ra đời những sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống mà ít phải sai sót, có thể chỉnh sửa và khắc phục được.
Trường Đại học Lạc Hồng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong những năm qua như: chính sách đặc cách tốt nghiệp đại học cho sinh viên tham gia cuộc thi khởi nghiệp các cấp. Thường xuyên mở các lớp đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên với sự tham gia tài trợ của Chương trình khởi nghiệp Quốc gia. Hỗ trợ kinh phí thực hiện sản phẩm mẫu, hỗ trợ toàn bộ kinh phí tham dự các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp bộ và cấp quốc gia. Về cơ sở vật chất cho khởi nghiệp, đến nay đại học Lạc Hồng đã đưa vào hoạt động Khu không gian làm việc chung có diện tích trên 200 m2 và đặt tại cơ sở 2 của trường đại học Lạc Hồng. Đây là không gian làm việc chung của giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo.
Theo ông Phạm Hồng Quất, các trường đại học có không gian khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng quan trọng. Trong đó nhà trường không chỉ là không gian đào tạo bó hẹp nữa mà cần phải “mở cổng trường ra” để doanh nhân có thể bước vào. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hội tụ thêm cả yếu tố thị trường. Tại một số quốc gia trên thế giới hiện nay, nhà trường giành một khu rộng rãi ở giữa làm khu market làm nơi trưng bày các sản phẩm mới của các hãng và của nhà trường. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần tạo điều kiện để sinh viên được giao lưu học hỏi với bên ngoài, với các doanh nghiệp, các hãng và các đơn vị trường khác, tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm, được thực hành, đó chính là những nền tảng quan trọng để sinh viên tự tin hơn khi bắt đầu con đường khởi nghiệp của riêng mình.
Các trường Đại học trên địa bàn quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp
Theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo mở được hiểu là doanh nghiệp, xã hội, chính quyền đưa ra thách thức, đưa ra vấn đề cần giải quyết. Và thế hệ trẻ, tài năng trẻ cùng với các thầy, các cố vấn, các vườn ươm, các làng công nghệ giải quyết, do đó sẽ giảm bớt được chi phí ở trong doanh nghiệp mà có thể sử dụng nguồn lực ngoài doanh nghiệp, đặc biệt là từ các viện, trường. Do vậy, hy vọng sẽ có những xung lực mới, có nhiều đóng góp hơn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giải quyết đời sống, thách thức của địa phương cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền sẽ vinh danh và thúc đẩy hoạt động này. Theo định hướng, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực hiện thí điểm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở tại một số địa phương và tại Đồng Nai, trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã mời một số làng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia gỡ khó cùng địa phương trong một số vấn đề mà Đồng Nai đang quan tâm cần giải quyết.
Các đại biểu hiến kế cho Đồng Nai trong hoạt động khởi nghiệp
Ông Lại Thế Thông – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ – Phó Chủ tịch hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai trong năm 2021 cũng đã đưa ra những định hướng cụ thể rõ ràng, đến năm 2022, với chủ đề khởi nghiệp sáng tạo – nguồn lực hội tụ, chúng tôi đã mời về các đơn vị, các làng Techfest để giải quyết những vấn đề cụ thể của tỉnh Đồng Nai, qua đó làm sao đưa được những công nghệ mới, những giá trị mới mà trong thời đại cách mạng 4.0 đang cần, góp phần giúp cho Đồng Nai có thể phát triển kinh tế xã hội. Đối với hệ sinh thái mở, chúng tôi đưa các viện, các trường thành những đầu mối để triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, trong những năm qua, nhà trường luôn chủ động tạo mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị như: hệ thống trường cấp 3, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, các địa phương…để tạo nên hệ sinh thái giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đầu vào và đầu ra cho sinh viên nhà trường. Nhà trường cũng hình thành và đưa vào vận hành không gian khởi nghiệp ngày tại trường, ở đó tạo nên không gian mở để nhà trường, sinh viên cũng như các doanh nghiệp có thể giao lưu, gặp gỡ và nắm bắt nhu cầu của nhau, mở rộng con đường khởi nghiệp cho sinh viên.
Hương Sen