Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sau những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) chính là “chìa khóa” để khôi phục và phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
* Phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số
Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, so với các lĩnh vực khác, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như: cơ cấu dân số trẻ, số lượng người dùng internet, người sử dụng điện thoại di động đạt tỷ lệ cao… Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các start-up có thể mang lại. Điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn là một thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn để khởi nghiệp về công nghệ.
Ông Lê Anh Tiến, đồng sáng lập và là CEO Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam chia sẻ, thời đại số hóa cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã khiến cho việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống trở nên phổ biến hơn. Các doanh nghiệp (DN)/start-up công nghệ đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: Chuyển đổi nhận thức là một phần rất quan trọng trong CĐS, có nhận thức tốt thì mới hành động tốt được. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về CĐS rộng khắp từ cấp tỉnh đến xã, phường. Phải làm sao cho người làm lãnh đạo hiểu rõ tổng thể để có chỉ đạo đúng; nhân viên trực tiếp làm việc thì phải nắm chắc kỹ thuật, thao tác… để phục vụ công việc, đồng thời hướng dẫn được cho người dân biết cách sử dụng các tiện ích, các ứng dụng, phần mềm để tương tác với chính quyền, tham gia kinh tế số, xã hội số…Tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở ấp, khu phố để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia CĐS. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 6,4 ngàn thành viên tại 11 huyện, thành phố. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp với Cục CĐS quốc gia (Bộ TT-TT) tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CĐS cho 11/11 huyện, thành phố và 170/170 xã, phường. Qua đó, nâng cao kiến thức về CĐS cho hơn 3,7 ngàn người là cán bộ, thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng. Năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng cơ bản chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn; thực hiện CĐS trong các ngành ưu tiên: an ninh trật tự, giao thông, y tế và giáo dục.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (thứ 3 từ phải sang) và Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng (thứ 3 từ trái sang) tham gia Chương trình phát động Techfest Dong Nai 2022
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, hỗ trợ DN công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của DN công nghệ số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy CĐS…
Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 5 DN công nghệ số thành lập mới; 10 DN chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin của DN trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức và người dân.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có cộng đồng DN lớn và đang tiếp tục gia tăng. Đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề ở đây là các DN cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu…
Để thúc đẩy hoạt động CĐS ở các DN, start-up trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho hay, trong thời gian tới, Sở
TT-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thúc đẩy các hoạt động CĐS cho cộng đồng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, thu hút đầu tư của các DN công nghệ số vào các khu công nghiệp. Đồng thời, phát triển các nền tảng giáo dục, y tế trực tuyến, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh…
* Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển khởi nghiệp và hằng năm trên địa bàn tỉnh có thêm hàng ngàn DN mới tham gia vào thị trường. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tỉnh đã ban hành các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, với đặc điểm là tỉnh công nghiệp năng động, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và tạo dựng DN, Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi hình thành ý tưởng, hiện thực và thương mại hóa các ý tưởng, dự án thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp ĐMST. Tăng cường liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các cộng đồng khởi nghiệp, kết nối các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư.
Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong thời gian qua, Đồng Nai cùng các địa phương: TP.HCM, Bình Dương… có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ Hội LHPN, Đoàn Thanh niên của địa phương. Đây là những kênh hỗ trợ khởi nghiệp sát sườn, mang lại hiệu quả, đa dạng các hình thức kết nối, tư vấn về khởi nghiệp…
Trong đó, nhiều hoạt động tư vấn về khởi nghiệp ĐMST, tư vấn về khởi nghiệp, kinh doanh liêm chính… được triển khai. Bên cạnh đó, các cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST, Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST (Techfest)… được các địa phương trong khu vực triển khai. Đây chính là những tiền đề để phát triển, mở rộng mạng lưới hệ sinh thái ĐMST, giúp cho các sinh viên, DN trẻ có điều kiện trau dồi, phát triển các kỹ năng về kinh doanh, quản trị, khởi sự DN…
Bên cạnh hệ thống các chính sách khuyến khích hoạt động ĐMST ở mọi lĩnh vực, phong trào khởi nghiệp ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ còn nhận được nhiều lợi ích từ các nguồn quỹ hỗ trợ của DN…
Đơn cử, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai là một trong những đơn vị tiềm năng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của địa phương. Hiện nay, Hội tiếp tục triển khai Quỹ Hỗ trợ cho vay khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cho những bạn trẻ có dự án khả thi nhưng thiếu vốn, kinh nghiệm và quản lý. Hội tiếp tục duy trì quỹ tương trợ do các hội viên đóng góp với mục đích hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cần vốn cấp bách của các DN hội viên.
Sở KH-CN là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đồng Nai. Giám đốc Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) NGUYỄN VĂN VIỆN chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đa dạng các chuỗi hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, cũng như các không gian về ĐMST để tạo ra môi trường tương tác, trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng khởi nghiệp, công nghệ dành cho các start-up, các bạn trẻ, sinh viên… Qua đó, góp phần mở rộng mạng lưới khởi nghiệp, phát triển các dự án về ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Theo Hải Quân (Báo Đồng Nai)