Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý cũng như các trục giao thông kết nối liên thông như: là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ và các khu vực khác; Các loại hình giao thông: đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng đang được kết nối, hoàn thiện; Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện… Đồng Nai kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics lớn của vùng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực logistics trong và ngoài nước đang dự tính mở rộng và đầu tư mới vào tỉnh.
Hội thảo trên lĩnh vực Logistics được tổ chức tại Đồng Nai
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành 4 trung tâm logistics lớn. Trong đó bao gồm trung tâm logistics phía Nam, phía Đông Bắc của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm logistics Tổng kho trung chuyển miền Đông tại huyện Trảng Bom, trung tâm logistics tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Hiện tỉnh cùng các địa phương được quy hoạch các dự án về logistics đang mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo kết quả thống kê năm 2023, ở Đồng Nai luân chuyển hành khách gần 4,3 triệu lượt và hàng hóa hơn 6,1 triệu tấn. Dự kiến những năm tới luân chuyển hành khách, hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao khi kinh tế phục hồi, giao thông kết nối, cảng biển, cảng cạn, kho bãi được xây dựng và mở rộng. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai cũng ngày càng được mở rộng. Tới đây, nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh được mở rộng, thành lập mới sẽ thu hút các DN thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất. Theo đó, lượng hàng hóa vận chuyển vào – ra ngoài tỉnh sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp của Bình Dương cũng đang tăng số lượng hàng hóa đưa về các cảng của Đồng Nai để xuất khẩu. Vì thế, những DN đầu tư vào lĩnh vực logistics ở Đồng Nai theo hướng xanh, hiện đại sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, Đồng Nai cần ban hành các quy hoạch, chiến lược hợp lý, đồng thời kết nối, thành lập hiệp hội ngành nghề và tổ chức liên quan, tạo điều kiện hỗ trợ DN. Tuy vậy, hiện thu hút đầu tư trên lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng.
Các doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp trên lĩnh vực logistics
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Trường đại học Lạc Hồng) đánh giá, năng lực DN logistics Đồng Nai còn có những hạn chế nhất định. Hiện Đồng Nai có khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực này, tăng 15% so với năm 2020. Trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm đến 80%. Số lượng DN quy mô lớn liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài là 72, tăng 44% so với năm 2020. Các dịch vụ logistics chủ yếu là vận tải đường bộ chiếm 40%, kho bãi 30%, giao nhận hàng hóa 20%. Dịch vụ giá trị gia tăng (đóng gói, dán nhãn, quản lý chuỗi cung ứng…) còn hạn chế, chiếm khoảng 10%. Thị trường logistics Đồng Nai chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 70-75% doanh thu. Tỷ lệ DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp. Bên cạnh đó, một số DN đã ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành và khai thác dịch vụ logistics nhưng còn rất ít so với tiềm năng và nhu cầu.
Tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực logistics được tổ chức trong chuỗi sự kiện Techfest Dong Nai năm 2024, nhiều chuyên gia đã đánh giá: Sự cạnh tranh giữa các DN dịch vụ logistics ngày càng khốc liệt. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố quyết định đến sự lựa chọn DN dịch vụ logistics của khách hàng cá nhân là vô cùng cần thiết. Để có thể thu hút khách hàng, các DN dịch vụ cần đầu tư vào quy trình đóng gói chất lượng cao và đảm bảo hàng hóa được bảo vệ tốt trong suốt quá trình vận chuyển, áp dụng công nghệ giám sát hàng hóa. Đồng thời, coi việc tối ưu hóa thời gian giao hàng, giảm thiểu thời gian chờ và chi phí không cần thiết là ưu tiên để tạo lợi thế cạnh tranh.
Đối với địa phương, để thu hút đầu tư từ DN nói chung, khởi nghiệp lĩnh vực logistic nói riêng, hệ thống hạ tầng là điều tiên quyết. Cùng với sân bay, Đồng Nai cũng phải đầu tư cải thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt và đường cao tốc, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ nội tỉnh, phát triển giao thông đường thủy.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, hạ tầng đóng vai trò xương sống trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics, việc đồng bộ hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực sẽ thúc đẩy và thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư, DN lựa chọn ngành nghề này để phát triển.
Các đại biểu tham luận các vấn đề về phát triển khởi nghiệp trên lĩnh vực Logistics
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai xác định logistics là ngành nghề quan trọng, phục vụ tương lai. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực này cũng nhằm phát huy các lợi thế to lớn của địa phương về Sân bay quốc tế Long Thành, Sân bay Biên Hòa, hệ thống đường cao tốc, vành đai, đường sắt, hệ thống cảng biển… và tỉnh sẽ luôn đồng hành với DN. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh sớm thành lập Hiệp hội Logistics Đồng Nai để kết nối các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, thúc đẩy phát triển ngành nghề trên địa bàn, phát huy lợi thế mà địa phương sẵn có.
T.Quế