Tại Đồng Nai, để phục vụ cho hoạt động kết nối với đầu tư, trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã hình thành và phát triển hệ thống giao thông vận tải – logistics như hệ thống các cảng, các ICD (cảng cạn, cảng khô, cảng nội địa), kho ngoại quan…Hệ thống các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng, doanh nghiệp vận tải, đại lý giao nhận …qua đó cung cấp dịch vụ một cách khá toàn diện cho sự phát triển các chuỗi cung ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất nhập khẩu.
Hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng, hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển: nằm liền kề các khu vực cảng TP.Hồ Chí Minh, cảng nước sâu Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có thể tham gia tiến hành cung cấp dịch vụ của mình tại tỉnh Đồng Nai ngày càng nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của dịch vụ. Hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được phê duyệt dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cạn ICD cũng như tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống cảng tại địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực logistics tỉnh Đồng Nai
Trong chuỗi các hoạt động Techfest Đồng Nai năm 2022, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực logistics tỉnh Đồng Nai. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác triển khai các dự án logistics ngành giao thông vận tải; tiềm năng ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực logistics, cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp cũng như các giải pháp thực tế.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã hình thành và phát triển hệ thống giao thông vận tải – logistics
Theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ – Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, để nâng cao năng lực dịch vụ logistics, hiện công nghệ thông tin và tự động hóa được ứng dụng ở nhiều khâu như: Warehousing (nhập kho) thông qua các hình thức như dùng robots tự động, xe lấy hàng tự động…; thực hiện đơn hàng/giao hàng chặng cuối; Làm việc “di động” trong ngành logistics thông qua các ứng dụng trên máy tính, điện thoại thông minh; Trucking (vận tải đường bộ). Thông qua ứng dụng công nghệ, mang lại rất nhiều lợi ích như: giảm các chi phí (nhân công, vận chuyển, khác), nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm dư thừa; lưu trữ số liệu phục vụ cho phân tích, dự báo và đồng bộ hóa thông tin, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh.
Để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động dịch vụ logistics, nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ cần cập nhật các xu hướng mới
Cũng theo ông Trần Chí Dũng, để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động dịch vụ logistics, nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ cần cập nhật các xu hướng mới; Nâng cao năng suất và hiệu quả dịch vụ cũng như hướng tới phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng. Có sự phối hợp giữa các công ty cung cấp dịch vụ, các công ty công nghệ để áp dụng công nghệ mới. Ưu tiên việc nghiên cứu và có quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng nên cùng hợp tác để tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ.
Tại Đồng Nai, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics được triển khai đồng bộ. Trong đó, hệ thống giao thông đường bộ có các tuyến Vành đai 4 – TP.HCM dài hơn 45km; Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 42 km; Vành Đai 3-TP.HCM dài hơn 11km; Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài gần 29km; Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 51km; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 34km và hệ thống các tuyến Quốc lộ (51, 20, 1A, 1K) đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 200km. Bên cạnh đó hệ tuyến đường sắt gồm: đường sắt Bắc – Nam; Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM- Nha Trang; Trảng Bom – Hòa Hưng (Sài Gòn). Giao thông đường thủy có tổng chiều dài hơn 2.600 km; Hệ thống cảng biển gồm 37 bến cảng tại Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành.
T.Quế