Đổi mới công nghệ nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững 

Đổi mới công nghệ ngày càng thể hiện vai trò quyết định việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững của chính doanh nghiệp. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp không được đổi mới, không đủ sức cạnh tranh, không trụ vững được sẽ bị đánh bật khỏi thị trường. chính vì điều kiện tất yếu ấy mà nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã có chiến lược để liên tục phát triển, liên tục đầu tư, đổi mới và sáng tạo.

Tại Khu Công nghiệp Amata, TP. Biên Hoà, Đồng Nai, Công ty TNHH Saitex International là công ty có 100 % vốn nước ngoài, được thành lập năm 2002. Hiện nay công ty có 04 nhà máy chuyên sản xuất quần jean xuất khẩu sang Mỹ và thị trường Châu Âu. Xác định đổi mới công nghệ gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu, thời gian qua, công ty đã không ngừng nâng tầm công nghệ sản xuất hiện đại, chủ động từ khâu thiết kế đến sản xuất, xuất hàng, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi các mô hình quản lý sản xuất tinh gọn, tự động hóa và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao năng suất sản xuất hàng hóa và chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường trước xu hướng hội nhập. Khi chưa được đầu tư công nghệ, công đoạn chà râu mèo (whisker ) và chà nhám (Hand sanding) được làm theo phương thức thủ công truyền thống, tốn nhân công mà mà chất lượng không đồng đều. Mới đây, công ty đã đầu tư 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ mua 6 máy laser, đây một công nghệ kỹ thuật số mới để xử lý quần bò. Công ty sử dụng tia laser để tạo ra những thiết kế trên lớp vải bò, một công đoạn mà trước đây phức tạp hợp nhiều. Công nghệ mới này sẽ loại bỏ hoàn toàn bước xử lý quần bằng hóa chất độc hại và giảm đi những bước xử lý quần thủ công mệt mỏi trước đây. Những mẫu quần kỹ thuật số kia sẽ được đưa vào hệ thống laser, vừa có thể tạo ra sản phẩm mẫu mà vừa có thể thành một dây chuyền sản xuất hàng loạt. Hiện tại, công đoạn chà râu mèo và chà nhám đã được thực hiện hoàn toàn tự động, thay thế hàng chục nhân công so với trước đây. Ngoài ra, công ty cũng đưa vào sử dụng rô bốt tự động có giá hơn 200 ngàn đô la Mỹ, thay thế sức lao động của 20 người. Thấy được hiệu quả của việc đưa vào rô bốt trong một số khâu sản xuất nên mặc dù giá thành khá cao nhưng công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư 4 con rô bốt, theo kế hoạch dự kiến, công ty tiếp tục nâng dần số rô bốt lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian tới. Để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính, hiện công ty cũng đang tìm kiếm những công nghệ mới để hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư mua máy laser mới từ Châu Âu, một máy có thể thay thế từ 20 đến 30 lao động, những công nghệ mới đang giúp công ty phát triển tốt. Hiện Saitex đang có 3 nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Amata và sắp tới, Saitex sẽ thành lập thêm nhà máy mới. Để giảm sức lao động, chúng tôi cũng đang áp dụng công nghệ rô bốt tự động thực hiện một số khâu với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài.

Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất hiện nay. Theo đó, nước thải sau khi xử lý trong vắt và có thể tái sử dụng lại. Đây cũng là công ty duy nhất ở Việt Nam có nhà máy giặt xử lý nước tuần hoàn với mức đầu tư 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ, tái sử dụng nước thải hoàn toàn 99% và 1% còn lại xử lý cho bay hơi. Công ty cũng phối hợp với một số công ty khác để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tự động hóa và trình độ ngoại ngữ cho nhân viên công ty. Những công đoạn tự động hóa không chỉ làm lợi cho công ty về mặt năng suất, chất lượng mà còn giải phóng sức lao động cho công nhân ở những công đoạn khó. Anh Lâm Thành Nhân, công nhân lâu năm của Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai cho biết, trước đây, hầu hết chúng tôi đều thực hiện các công đoạn một cách thủ công, tốn nhiều thời gian mà sản phẩm ra không đồng đều. Đến nay, hầu hết các khâu đều tự động hóa, chúng tôi được huấn luyện để vận hành máy, còn chất lượng sản phẩm đều có máy kiểm soát hết nên rất đảm bảo mà tiến độ sản xuất được được đẩy lên một cách đáng kể.

Công ty TNHH Tiger Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, P.Long Bình, thành phố Biên Hòa) là công ty chuyên sản xuất bình giữ nhiệt, nồi cơm  và các sản phẩm gia dụng dùng hằng ngày. Xác định được việc đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại là bước đi tiên phong giúp sản phẩm công ty có thể cạnh tranh trên thị trường, hiện nay, Công ty TNHH Tiger Việt Nam đang áp dụng Công nghệ cao cùng với dây chuyền sản xuất hiện đại, qua đó đã giúp Tiger sản xuất các loại sản phẩm tốt có sản lượng cao. Là một phần trong mạng lưới toàn cầu do Tiger Corporation lập ra, với cơ sở sản xuất ở Đồng Nai, Tiger Việt Nam cũng hoạt động trong ngành công nghiệp nặng. Cụ thể, các sản phẩm công ty là các loại đồ gia dụng như nồi cơm điện, bình thủy điện, dụng cụ nấu bếp…Ngoài ra, Công ty cũng Ứng dụng hệ thống quản lí chất lượng chặt chẽ đạt chuẩn ISO 9001, công ty Tiger Việt Nam cam kết mang đến các sản phẩm chất lượng cao tạo nên thương hiệu Tiger đến phục vụ cho khách hàng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, bộ phận kiểm hàng của Công ty TNHH Tiger Việt Nam cho biết, hiện tại công ty đang sử dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, ngoài ra, công ty cũng rất chú trọng đến việc tạo môi trường làm việc sạch sẽ để không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và sản phẩm hàng hóa của công ty được sản xuất với chất lượng tốt nhất.

Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài chú trọng đến việc đầu tư đổi mới công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có những bước tiến dài trong quá trình đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong quá trình hội nhập.

Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam được hợp nhất từ năm 2009 từ hai Công ty Vikyno và Vinappro (trực thuộc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam). Đây là doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị hàng đầu trong lĩnh vực nông ngư cơ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam á. Với sản phẩm phong phú đa dạng, chất lượng cao và ổn định, sản phẩm của công ty đã có mặt trên 25 quốc gia ở Châu á, Châu Âu, Châu Phi, Trung Mỹ và Trung Đông…

Ông Trần Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty động cơ và máy nông nghiệp miền Nam cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã sáng chế ra được những sản phẩm có tính sáng tạo cao có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Trong quá trình hội nhập, tiêu chí hàng đầu mà chúng tôi đặt ra là vấn đề chất lượng chính vì vậy chúng tôi đã đầu tư một dây chuyền sản xuất mới, hoàn toàn tự động với năng suất tương đương động cơ 60 ngàn diezel và 10 ngàn máy kéo xách tay trong một năm. Đầu tư bổ sung thay thế máy cũ bằng máy móc hiện đại như máy ép thủy lực, máy cà răng, các thiết bị đo kiểm như máy kiểm tra bánh răng, máy đo ba chiều, đầu tư mới hoàn toàn dây chuyền mài tinh trục…

Đổi mới công nghệ ngày càng thể hiện vai trò quyết định việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững của chính doanh nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, các doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ để đứng vững trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Thảo Quế