Cốt lõi khởi nghiệp

Nhiều bạn có ý tưởng, rồi thực hiện khởi nghiệp và tình trạng chung là đang loay hoay với dự án kinh doanh của mình. Có ý tưởng liệu đã đủ để khởi nghiệp chưa?  Và cốt lõi của khởi nghiệp là gì?

Vậy nên trong các cuộc thi khởi nghiệp, nếu bạn để ý sẽ thấy những Giám khảo (là các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm) sẽ không hỏi nhiều về ý tưởng khởi nghiệp của bạn đâu. Đầu tiên họ quan tâm và hỏi về kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực mà bạn dự kiến làm, tiếp đến họ sẽ hỏi bạn có sẵn khách hàng cũ chưa, tức là những người biết tiếng mình từ trước, đó là bằng chứng rõ nhất về năng lực. Thứ nữa là có bao nhiêu người cùng bạn khởi nghiệp, vai trò của từng người là gì, có ông nào thừa ra không, thường team khởi nghiệp mà 3 người trở lên là thấy thảm họa rồi, theo mình tốt nhất thì nên khởi nghiệp một mình, mảng nào mình không rành có điều kiện thì thuê ngoài, không thì tìm người đúng mảng đó mà hợp tác. Còn cần vốn thì đi vay, hay nhờ góp vốn, căn bản là nếu mình có năng lực thì tự khắc người ta hỗ trợ.

Dự án khởi nghiệp kêu gọi vốn đầu tư bởi thực sự có tiềm năng phát triển

Nghe đến khởi nghiệp thì có vẻ to tát và cao siêu lắm. Nhưng tôi để ý thấy cái anh Bảy bán hủ tiếu gần nhà thì thấy, khởi nghiệp như anh cũng hay đáo để. Tôi nhớ cách đây mấy năm, anh ra một góc đường chăng bạt, làm cái xe đồ ăn đẩy, đẩy ra đẩy vô, muốn có điện, đàm phán chủ nhà gần đó cho câu điện, một vài cái bóng neon, bàn xếp, ghế nhựa, chén đũa… Bán xong là xếp gọn lên xe đẩy về. Chi phí cố định cực thấp, tiết kiệm tối đa các khoản linh tinh. Mà cái hay là cách anh Bảy tính toán chi phí  cho một tô hủ tiếu 20k gồm bao nhiêu thịt bao nhiêu rau, bao nhiêu nước mắm, mà ăn vẫn đảm bảo ngon, khách ăn được, mà vẫn có lời. Đấy tính toán doanh thu, chi phí, lợi nhuận chỉ cần đơn giản như anh bán hủ tiếu thôi. Khởi nghiệp đơn giản chỉ vậy thôi. Đơn giản mà không đơn giản à nha, vì anh Bảy hủ tiếu đã có cái lõi khi khởi nghiệp – kinh nghiệm và hiểu biết về tô hủ tiếu bán cho khách. Để có được mớ kinh nghiệm đó, có lần anh Bảy cho tôi hay, anh đã học cái nghề này gần 7 năm trời, từ cái ngày đi phụ quán người ta bưng bê rửa chén, rồi quan sát cách nấu của chủ quán, tới cái hồi anh tập tành nấu vài nồi hủ tiếu dở tệ để mà rút ra được cái kinh nghiệm mua hủ tiếu khô ở đâu, nước lèo nấu thế nào, bao nhiêu xương thì đủ, nấu bao lâu, nhiệt độ nồi nước lèo bao nhiêu, … Còn tôi để ý thấy, một điểm mà quán hủ tiếu của anh hút khách (quán trong hẻm thôi nha, chứ không phải mặt tiền đường lớn gì đâu), đó chính là tô hủ tiếu của anh có vị riêng, cái vị giòn giòn thơm thơm của  mấy miếng tóp mỡ và hành phi rắc lên tô hủ tiếu. Anh bán được hàng cũng là nhờ cái kỹ thuật riêng – tạm gọi là kỹ thuật làm tóp mỡ hành phi. Đấy, cũng là khởi nghiệp với quán bán hủ tiếu (mà nếu gọi sang là cửa hàng ẩm thực) để thành công thì cái lõi cũng là phải nắm vững về sản phẩm, thị trường, khách hàng, … Bằng cái nghề bán hủ tiếu có thể nuôi sống bản thân và gia đình, vừa giải quyết vấn đề kinh tế cho xã hội (tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho người dân) vừa thỏa mãn cái bụng của thiên hạ bằng“1 tô hủ tiếu ngon vừa túi tiền “ hơn khối anh entrepreneur còn gì. Khách hàng thì cứ tới quán, đông nườm nượp, bởi một lẽ: khách hàng chẳng quan tâm nấu nướng thế nào nhưng khách biết chỗ nào ăn ngon!

Có người nói chuyên môn không quan trọng bằng kỹ năng điều hành quản lý, cái này mình công nhận khi trong team mình có đứa giỏi chuyên môn, mà nếu team có mỗi nó thì chính thằng làm chuyên môn ấy là linh hồn của cả đội, không có nó là chết ngay. Nhưng lúc mới khởi nghiệp kiếm đâu ra một đứa giỏi như thế về cộng tác với mình nếu mình không phải chính là thăng giỏi chuyên môn nhất. Thế nên cứ phải thật giỏi chuyên môn, nấu tô hủ tiếu của mình cho thật ngon đi, khách hàng sẽ tự đến, chứ không cần đi học mô hình này, chiến lược kia, rồi bày vẽ đầu tư bàn ghế, bảng hiệu, thuê mặt bằng hoành tráng, rồi mua đồng phục, tuyển thêm mấy em chân dài phục vụ khách, rút cuộc chết chi phí mà doanh thu chưa thấy đâu.

Còn nếu thấy năng lực của mình chưa đủ thì tìm chỗ mà học: học đối thủ cạnh tranh, học người đi trước (người ta làm trước bao nhiêu kinh nghiệm xương máu rồi, mình lại cứ mất công đi khảo sát thị trường). Người ta kinh doanh dù có giỏi mấy đi nữa cũng để lọt vài ngách, mình chỉ việc nghiên cứu rồi chui vô cái ngách đó là làm ăn được (giống cái tô hủ tiếu của anh Bảy đó, có món tóp mỡ ngon bá cháy). Muốn học hỏi tốt nhất thì xin luôn vào doanh nghiệp người ta mà làm việc. Nếu không được nữa thì đầu tư nhỏ nhỏ, làm bán thời gian vừa làm vừa nhờ khách hàng tư vấn, vừa theo dõi thị trường từ từ điều chỉnh.

Thế đấy, căn bản là chính mình phải có năng lực trong lĩnh vực mình làm, hiểu biết và kinh nghiệm là những thứ tự chính bản thân những người khởi nghiệp đầu tư và tích lũy theo thời gian, không ai làm việc đó thay bạn cả. Quan trọng là các bạn phải có cái lõi trước. Nấu một tô hủ tiếu cho thật ngon, khách nào cũng muốn ăn ngay!

Xuân Duy