Thời đại công nghệ số đòi hỏi những đổi mới để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sự cạnh tranh về công nghệ là bài toán cần thiết để hướng đến phát triển bền vững, mở rộng thị trường.
Các ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính, bao gồm những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v… kể cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế…trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế và tìm kiếm nhiều cơ hội xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Là một trong những công ty nhựa hàng đầu ở Việt Nam, có khả năng cung cấp cho cho khách hàng những giải pháp toàn diện thông qua quy trình khép kín từ khâu thiết kế khuôn, sản xuất khuôn, thử mẫu, sản xuất sản phẩm nhựa với công nghệ ép hoặc thổi, in hoặc dán nhãn hiện đại bậc nhất hiện nay, Công ty Nhựa VINASTAR (P. Trảng Dài- TP Biên Hòa), được thành lập mới 6 năm, để bắt kịp với xu hướng thời đại, mỗi năm, Vinastar đều nỗ lực làm mới mình bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, theo đó, không những gia tăng được số lượng (mỗi năm tăng trên 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước), chất lượng và quan trọng hơn là mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt sản phẩm của Vinastar đã đến được với nhiều bạn hàng quốc tế. Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó giám đốc Công ty Vinastar cho biết, trong năm 2018 vừa qua, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đưa các dây chuyền máy móc tự động hoàn toàn, sử dụng robot thay thế cho sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, thương hiệu vinastar đã được nhiều khách hàng khó tính lựa chọn. Trong thời gian qua, đã có 30% sản phẩm hiện có xuất sang Nhật, tiếp tục đầu tư theo hướng đổi mới công nghệ, tạo sức sạo tạo cho từng sản phẩm, mục tiêu của Vinastar trong năm 2019 là đưa 70% sản lượng xuất sang các thị trường nước khác.
Ngoài các doanh nghiệp phụ trợ, công nghiệp dệt may tại Đồng Nai đang có những đóng góp quan trọng cho giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Ở nhóm ngành này, đổi mới công nghệ cũng chính là chìa khóa để sản phẩm của ngành bắt kịp xu thế mới nhất, đảm bảo về số lượng và chất lượng của các thị trường khó tính. Tổng công ty May Đồng Nai Donagamex là doanh nghiệp may mặc hàng đầu tại Đồng Nai cũng như của cả nước. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mạnh dần lên thì sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghệ ngày càng khốc liệt. Nhận thức việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bộ mặt của doanh nghiệp nên mỗi năm, Tổng công ty May Đồng Nai Donagamex giành một khoản kinh phí không nhỏ ( trên dưới 40 tỷ đồng) để đầu tư cho việc chuyển đổi, đầu tư hệ thống máy móc để thay thế sức lao động của con người. Với việc đầu tư dây chuyền hiện đại từ khâu tuyển vải, máy may lập trình, ép sympatex, hệ thống mổ túi tự động, hệ thống treo tự động, nhồi lông vịt, cắt và kiểm vải đều sử dụng máy móc và trang thiết bị hiện đại. Theo ông Vũ Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai Donagamex cho biết, cũng nhờ việc đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại mà mỗi năm Donagamex giảm từ 15- 20% lao động mà năng suất tăng trên 20%. Từ khi áp dụng máy may lập trình, tự động thì năng suất tăng lên từ 40-50% so với trước.
Quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện mở ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Riêng đối với ngành dệt may Đồng Nai cũng như cả nước. Tuy vậy, sức cạnh tranh từ cuộc cách mạng công nghệ cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp muốn tồn tại được thì không chỉ bảo toàn các sản phẩm đã có chỗ đứng lâu năm mà bên cạnh đó cần phải liên tục đổi mới, liên tục tạo ra những bước đột phá với sức sáng tạo cao, đó cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.
Diệu Linh