Trong 4 năm qua, Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai” nhận được hơn 180 ý tưởng, dự án tham gia dự thi. Riêng năm 2022, Cuộc thi nhận được 59 hồ sơ tham gia dự thi, tăng gần gấp đôi so với năm 2021, trong đó có 11 chủ thể là doanh nghiệp, 4 chủ thể là hợp tác xã/tổ hợp tác và 44 chủ thể là hộ kinh doanh. Có 3 dự án tham gia cuộc thi đã tham gia và đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt từ 3-4 sao. Theo bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN Đồng Nai: “Thông qua các dự án tham gia dự thi, chúng tôi nhận thấy, chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang ngày càng quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội, qua đó cũng thể hiện khát vọng, ước mơ và mong muốn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế, khẳng định năng lực, vị thế bản thân, vượt qua mọi rào cản và định kiến giới”. Cũng theo bà Lê Thị Thái, các dự án tham gia cuộc thi sẽ được Hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch thực hiện dự án và các kiến thức và kỹ năng khi tham gia dự thi.
Hội Phụ nữ xem sản phẩm các dự án
15 dự án tiêu biểu tham gia dự thi tại vòng chung kết được Ban giám khảo đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo của ý tưởng/dự án; hiệu quả kinh tế, khả năng tăng trưởng; ứng dụng công nghệ; mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế xã hội của ý tưởng/dự án; có thể phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh; hình thức trình bày của thuyết minh dự án/ý tưởng.
Tham gia hội đồng Giám khảo cuộc thi, TS. Nguyễn Văn Tân – Thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Việt Nam nhận xét, các dự án tham gia vòng chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai” năm 2022 được đầu tư bài bản, chuẩn bị bài thi tốt và hầu hết đã có sản phẩm mẫu. Mong muốn của Ban tổ chức cuộc thi là, sẽ chọn được những sản phẩm tốt từ các dự án để tham gia dự thi cùng các địa phương khác, các dự án cần vốn để phát triển có thể liên hệ Hội LHPN để được xem xét. Ban tổ chức cũng mong muốn, các dự án đạt giải cao sẽ trở thành đơn vị đồng hành cho cuộc thi trong những mùa tiếp theo để tạo động lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp non trẻ của các chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Ban giám khảo đánh giá các dự án
Các dự án tham gia và đạt giải cuộc thi đã thể hiện sự khác biệt, sáng tạo của các chủ thể ở những khía cạnh khác nhau. Dự án “Chế biến các loại chả cá thương hiệu Thu Bình” của tác giả Bùi Thu Bình đã có nhiều đổi mới sáng tạo khi ứng dụng công nghệ máy móc trong toàn bộ các công đoạn sản xuất chả cá sạch. Nguôn nguyên liệu cũng được lấy tại địa phương và dự án đã có những thành công bước đầu khi đã có mặt trên nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi, trạm dừng chân và hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh; Dự án “sản xuất và kinh doanh khô cá lóc sông La Ngà” của chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (huyện Định Quán) đã đặt mục tiêu trở thành món quà đặc sản cho khách du lịch khi tới thăm Định Quán. Theo đó, dự án tập trung vào mục tiêu lấy nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất khô cá lóc thơm ngon bổ dưỡng, sạch và giá cả cạnh tranh. Tại cuộc thi, dự án được đánh giá cao khi đã có sản phẩm mẫu khá ấn tượng khi ý tưởng khởi nghiệp cho dự án này mới bắt đầu cách đây chưa lâu. Dự án đạt giải Nhất cuộc thi “Bột ngũ cốc Yến lộc Rừng” của tác giả Nguyễn Thị Yến (huyện Định Quán) là dự án khởi nghiệp tiềm năng khi sử dụng những hạt giống đậu thuần chủng tại địa phương, không biết đổi gen, không thuốc trừ sâu và các phụ gia độc hại khi chế biến để tạo thành món quà sức khỏe thơm ngon tự nhiên, bổ dưỡng.
Ngọc Vy