Hệ sinh thái khởi nghiệp (tiếng Anh: entrepreneurial ecosystem) là một thuật ngữ chỉ một cộng đồng (community) bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp gồm có các cấu phần: Các startup; Các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư…cung cấp vốn cho startup; Nhà nước ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp; Các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup (Incubator, Accelerators, Coworking Space); Các sự kiện và truyền thông về startup.
Tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tuy mới hình thành nhưng ngày càng sôi động. Đặc biệt, trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam diễn ra rất sôi động. Việt Nam được đánh giá là nơi rất có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thể hiện ở các yếu tố gồm:
Thứ nhất: Hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp ĐMST. Hiện tại, có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DNKN đang hoạt động tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực tại Việt Nam có thể kể đến như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 startups…Thêm vào đó, trong 2 năm 2016-2017,chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam trong việc thành lập các quỹ đầu tư cho DNKN: FPT Ventures, Viettel Venture, Quỹ sáng tạo CMC, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV).
Về số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam, tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Hầu hết đây là doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu thực hiện đầu tư cho các DNKN ở thế hệ sau. Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (Mạng lưới nhà đầu tư thiên thầnViệt Nam), Angel4us.
Thứ ba: Cơ sở vật chất cho khởi nghiệp ĐMST. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 30 khu làm việc chung và còn đang tiếp tục mở rộng, đáp ứng cả nhu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của các startup, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (Fablab Sai Gon, Dreamplex, Saigon Coworking, Citihub, Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh- ITP…) và Hà Nội (Toong; UP; BKHUP, Fablab Hà Nội…). Ngoài ra còn có không gian sáng tạo là mô hình phổ biến trên thế giới nhưng mới ở Việt Nam, cho phép cá nhân, DNKN có thể sử dụng trang thiết bị như máy in 3D, máy CNC để làm sản phẩm mẫu (Fablab Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hackanoi và Innovation Lab SHTP-IC).
Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp (sự kiện, chương trình về khởi nghiệp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp…) cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Việt Nam (TECHFEST) thường niên do Bộ BH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức cùng các tổ chức chính trị – xã hội và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức.
Thứ tư: Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với quốc tế. Hiện tại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp được thể hiện ở một số chương trình như: IPP (được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan); Bộ KH&CN hợp tác với Đại sứ quán Israel tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel” từ năm 2014 đến nay để lựa chọn các startup tiêu biểu tham gia chuyến học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Israel. Bộ KH&CN cũng hợp tác cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ trong sự kiện “Kết nối ĐMST” (Innovation Roadshow) 2016 nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các tập đoàn, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hoa Kỳ với các viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp của Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Quất Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ Khoa học & Công nghệ giới thiệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thứ năm: Tinh thần khởi nghiệp đang dần tăng lên. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là một thị trường công nghệ tiềm năng sở hữu thế mạnh về nhân lực kỹ thuật sẵn có, với nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng thị trường lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ có một đội ngũ đông đảo các nhà quản lý, nhà sáng lập, những người phát triển sản phẩm và các kỹ sư tài năng. Đặc biệt cần phải kể đến một bộ phận không nhỏ trong đó đó là cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài đã về nước để lập dự án khởi nghiệp của riêng mình.
Văn hóa chấp nhận thất bại, nhận thức về khởi sự kinh doanh của giới trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đang có những thay đổi tích cực.
Tóm lại, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái đó (từ DNKN, mạng lưới các nhà đầu tư đến các trường ĐH, tổ chức ươm tạo…) đều đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm. Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam phát triển, từ đó thúc đẩy các DNKN phát triển cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.
T.L (biên tập)