Những năm gần đây, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số, nỗ lực kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, nơi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Trong 5 năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan chức năng các cấp cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ để tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Đồng Nai, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 14/9/2021, toàn tỉnh có 2.160 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 45,7 ngàn tỷ đồng và 570 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 14/9/2021, toàn tỉnh có 43.628 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia. Các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra của cải ngày càng nhiều cho xã hội đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách và là những thành viên tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước. Khu vực này là động lực thúc đẩy cạnh tranh và môi trường kinh doanh bởi đây là khu vực nhạy bén, năng động và sẵn sàng đổi mới so với các doanh nghiệp lớn hơn và đã phát triển ổn định.
Để thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo nhằm trang bị những kiến thức về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành cho lãnh đạo doanh nghiệp cho thanh niên khởi nghiệp; đồng thời tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo nhằm tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp để từ đó hỗ trợ từ khâu đăng ký sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, tỉnh vận động, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ và thủ tục thành lập doanh nghiệp chuyển đổi từ các hộ kinh doanh có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, chủ động hướng dẫn cho hộ kinh doanh các lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, các nội dung hỗ trợ được nhận khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đạt cấp độ 3, cấp độ 4, đăng ký doanh nghiệp tại nhà…
Triển khai thực hiện hỗ trợ nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 thông qua triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo thông tư hướng dẫn. Sau khi có hướng dẫn cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
T.L