Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng 4.0. Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong xu thế chung đó, Đồng Nai cũng không đứng ngoài cuộc, luôn quan tâm hỗ trợ các hoạt động này nhằm nâng cao tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong người dân, doanh nghiệp và nhất là thế hệ trẻ. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai (KH&CN).
Sở KH&CN được tỉnh giao thực hiện chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, vậy thì đến nay “chặng đường” đã đi đến đâu, thưa ông?
Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã tham mưu tỉnh ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Năm 2020 tiếp tục tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/ NQ-HĐND ngày 04/12/2020 Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh việc tham mưu các cơ sở pháp lý cần thiết thì trong những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ cũng chủ trì tham mưu nhiều kế hoạch phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế địa phương như: khảo sát nhu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, hội viên; tham gia các khóa đào tạo, các chương trình hội nghị, hội thảo; tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong cả nước; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Kết quả đến nay Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 250 lượt doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh về thủ tục, cơ chế chính sách và cách thức tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.
– Theo ông “bệ đỡ” vững chắc cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì?
Tại nhiều quốc gia, các chương trình hỗ trợ thường đưa ra các chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trợ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các đề án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp với nhiều ưu đãi nhằm tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khái thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, tùy vào mỗi quốc gia mà có một chiến lược riêng, tùy từng địa phương mà có chiến lược cụ thể sát với tình hình thực tế.
Để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai phát triển vững mạnh thì “bệ đỡ” quan trọng nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân, đặc biệt là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lực lượng thanh niên, những người muốn làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Tỉnh Đồng Nai từ trong chiến tranh đã là vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng, vào thời bình thì vùng đất lành chim đậu này đã thu hút và tạo đà cho từng lớp lãnh đạo, doanh nghiệp, thanh niên phát huy năng lực của mình tạo nên nhiều dấu ấn khởi nghiệp sáng tạo, những khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tiên, những doanh nghiệp nhà nước tiên phong, những khởi nghiệp thành công của Ô tô Trường Hải, Cám Thanh Bình, …
Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã diễn ra từ lâu và đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên trong xu thế phát triển hiện nay buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải theo hướng đổi mới sáng tạo để xứng đáng bước vào kỷ nguyên số.
– Vậy thưa ông, hiện Đồng Nai có những chính sách tài chính cụ thể nào đối với chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/20216 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” hướng tới cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên kế hoạch khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí của đề án.
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nội dung chi, mức chi thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021 tối đa là 500 triệu đồng, được tập trung vào các nội dung sau:
– Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài.
– Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp.
– Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ).
– Hỗ trợ kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
– Hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài.
– Để Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, theo ông chúng ta cần thực hiện những gì?
Thời gian qua việc tổ chức các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh vẫn đang dàn trải, chưa được kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị, tổ chức. Do vậy tới đây chúng tôi sẽ tập trung kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai nhiệm vụ. Trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực nhằm phát huy hiệu quả cao nhất; chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; định kỳ khảo sát điều tra về thực trạng khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ….
Cụ thể trong năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì thực hiện các nội dung như sau:
Tổ chức ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Đồng Nai), nhằm giới thiệu phong trào khởi nghiệp ở Đồng Nai; Kết nối, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương, kết nối cung cầu về các sản phẩm khởi nghiệp.
Thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai.
Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp nhằm gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tổ chức Tọa đàm “Xây dựng văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên tỉnh Đồng Nai”.
Tổ chức các Hội thảo Triển khai Ứng dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tạo đà phát triển cho đô thị thông minh; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khởi nghiệp ở lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tại Đồng Nai; Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong ngành logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai – mảnh đất tiềm năng cho khởi nghiệp; Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Để triển khai thành công các nội dung chương trình trong năm 2021, trước mắt Sở KH&CN đã thành lập Tổ triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động dưới sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của tôi và Tổ trưởng là ông Nguyễn Ngọc Phương – Chủ tịch công đoàn Sở. Thành viên tổ là đại diện các phòng, trung tâm trực thuộc Sở.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi đang hướng nhiều đến giải pháp thực hiện các sự kiện trực tuyến nhằm đảm bảo công tác phòng dịch. Tôi hy vọng rằng, với những nỗ lực chung của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cùng tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của toàn xã hội thì Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai sẽ có những bước phát triển nhất định./.
Xin cảm ơn ông!
Phòng Thông tin KH&CN