Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo lãnh đạo Bộ KH&CN trong giai đoạn tới đây, để KH&CN, đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào 6 phương hướng trọng tâm.
Đầu tiên, đó là phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần có các cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội và các chính sách thử nghiệm cho các mô hình mới trong phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích và thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, tập trung vào huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó từ doanh nghiệp là chủ yếu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo nói chung. Thực tiễn nhiều quốc gia đã thành công trong vượt bẫy thu nhâp trung bình cho thấy các quốc gia này đã rất quan tâm đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo (nhìn chung đều từ 1% GDP trở lên).
Thứ ba, phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo trên nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế để tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, môi giới để tăng cường hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung và các cộng cụ để kết nối thị trường… Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là đối với các lĩnh vực công nghiệp/ ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thứ tư, tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của quốc gia theo định hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình, ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp
Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị doanh nghiệp bao gồm cả nhân lực có kỹ năng được đào tạo phù hợp và thích ứng với nhu cầu của thị trường, nguồn nhân lực phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.
Cuối cùng, đó là là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp để có khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ tạo ra trong nước, tiến tới tự chủ công nghệ, qua đó từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước.
Hiện đang tập trung triển khai các giải pháp tác động đến 2 nhóm đối tượng trong hệ thống đổi mới sáng tạo. Đầu tiên là đối với doanh nghiệp, Bộ KH&CN sẽ rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất – kinh doanh.
Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Đặc biệt có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công – tư trong đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, Bộ cũng triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đối với các viện nghiên cứu, đại học, tổ chức KH&CN, cần có chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN. Bộ KH&CN là đầu mối định hướng nội dung hoạt động KH&CN, quản lý điều hành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với Bộ GD&ĐT có cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động KH&CN ở doanh nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành… cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp.
Từ đó, xác định nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu, nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, mức độ đầu tư và cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia phát triển KH&CN, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN; sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các tổ chức KH&CN công lập.
Diệu Linh