Hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt đang là bài toán nan giải đối với thị trường, gây nhiều cản trở và làm bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp chân chính nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Chính vì vậy, giải quyết được các sản phẩm giả mạo xuất xứ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các đơn vị doanh nghiệp rất cần thiết. Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đồng Nai (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) vừa ban hành kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba. Từng bước hạn chế và đẩy lùi hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần chống thất thu thuế; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, nguuwoif tiêu dùng về những tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam và trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ động phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Ban chri đạo 389 yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thực hiện thanh kiểm tra theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác, không bao che, tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là, Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình, phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, triệt phá đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh daonh hàng giá giả nhãn mác xuất xứ Việt Nam; Sở Công thương phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam; lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, thị sát thị trường, kịp thời ngăn chặn hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam…Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định, pháp luật liên quan và tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm.
Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 địa phương, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam diễn biến phức tạp với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Cục Hải quan Đồng Nai đã từng phát hiện và bắt quả tang một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Nhơn Trạch 3- Đồng Nai thông qua các công ty trung gian tại Việt Nam nhập khẩu ủy thác mặt hàng Trichloroisocyanuric Acid (thuốc khử trùng diệt khuẩn) từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp này không qua công đoạn sản xuất, chế biến nào mà chỉ thực hiện thay nhãn mác Trung Quốc bằng nhãn mác “Made in Vietnam”, xin cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để có xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trên thị trường hiện có rất nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam như: Hàng hóa sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc ghi trên sản phẩm và bao bì, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu hay hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc giả hoặc không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan…
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 địa phương sẽ tăng cường công tác phối hợp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạ nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này, không tiếp tay cho hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường trong nước và thế giới.
Diệu Linh