Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và của Hội đồng điều phối Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, các trường đại học đã hình thành nên các Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp để thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. CLB khởi nghiệp chính là một nhân tố thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Làng Học sinh sinh viên sáng tạo Techfest Quốc gia nhận xét, tại Đồng Nai, một số trường đại học như Đại học Lạc Hồng đã có các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập các CLB khởi nghiệp và hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, một số trường vẫn thờ ơ với hoạt động này, chưa đưa hoạt động khởi nghiệp thành nhiệm vụ chính của trường. Theo bà Tâm, các trường nên đưa các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành môn học để trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết và có cơ hội để thực hiện ước mơ của mình. Các trường cũng nên thành lập các CLB khởi nghiệp và tạo sân chơi cho các bạn sinh viên, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bà Tâm cho rằng, nếu sinh viên tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, tham gia vào dự án, đội nhóm, các CLB khởi nghiệp thì các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, có những kỹ năng được học từ hoạt động khởi nghiệp. Ngoài ra, các bạn còn có điều kiện để thể hiện được tài năng, năng lực của mình thông qua các hoạt động đội nhóm, các hoạt động kết nối, thông qua các hoạt động khởi nghiệp để kết nôi với các đối tác, doanh nghiệp giúp các bạn có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Võ Văn Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những năm gần đây ở các trường đại học phát triển rất mạnh. Tại trường Đại học Đồng Nai cũng rất quan tâm đến việc xây dựng CLB khởi nghiệp. Hiện CLB khởi nghiệp trong sinh viên của trường đã hoạt động được 3 năm nay và hoạt động khá hiệu quả với nhiều ý tưởng khởi nghiệp được đưa ra. Tham gia vào CLB, các em được trao đổi, chia sẻ về những ý tưởng khởi nghiệp, được trang bị những kiến thức, kỹ năng giúp các em hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, một trong những điểm chung của các trường cần làm khi thúc đẩy các CLB khởi nghiệp trong trường học là giúp các bạn sinh tiếp cận được chương trình đào tạo phù hợp. Về cơ sở vật chất, trường cần hình thành nên khu không gian làm việc chung, ở đó nuôi dưỡng các ý tưởng, giúp cho các bạn chuyển ý tưởng thành sản phẩm mẫu và từ sản phẩm mẫu hình thành nên mô hình kinh doanh, để sau này có cơ hội thì các bạn có thể phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, việc hình thành nên đội ngũ giảng viên về khởi nghiệp, đội ngũ mentor trong các trường là bắt buộc phải làm để hỗ trợ được cho các bạn sinh viên. Hiện nay Quốc gia có 2 chương trình, trong đó một chương trình đào tạo về metor cho các giảng viên và một chương trình đào tạo các TOT cho các giảng viên khởi nghiệp. Chính vì vậy các trường phải có đội ngũ giảng viên tham gia các lớp đào tạo này thì mới cố vấn, hỗ trợ được cho sinh viên. CLB khởi nghiệp cũng cần thúc đẩy để các dự án khởi nghiệp của sinh viên được tiếp cận với các nhà đầu tư. Trong khuôn khổ hoạt động ở trường thì cần tạo điều kiện để các bạn được trải nghiệm nhiều nhất với thực tế bên ngoài, vì thế mà các CLB càng tổ chức nhiều hoạt động càng tốt.
P.Hương