Năm 2024: tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai sẽ tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp giải thế năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lên đến 473 doanh nghiệp, tăng 1,9% so với cùng kỳ và có 698 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 24,4% so với cùng kỳ; 1.561 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cho thấy cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi. Các gói kích cầu như giảm thuế giá trị gia tăng đã được triển khai nhưng tiêu dùng trong nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp.

Không những thế, doanh nghiệp còn đối mặt với những bất cập nội tại trong nước khiến chi phí kinh doanh cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Kết quả cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực trạnh tranh trên địa bàn tỉnh mặc dù có nỗ lực, cố gắng nhưng chưa tạo được sự đột phá.

Từ tình hình thực tế và Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Kế hoạch đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trên các bảng xếp hạng quốc gia. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu chủ yếu mà Đồng Nai phấn đấu thực hiện năm 2024 là: thực hiện các giải pháp để tổng điểm PCI tăng từ 2-4 điểm soi với năm 2023, thuộc nhóm 18 tỉnh thành có tổng điểm PCI cao nhất. Tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02 phù hợp với điều kiện địa phương, cơ quan đơn vị.

Khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững

Theo đó, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đồng Nai tập trung thực hiện nhằm đạt mục đích, yêu cầu đề ra, đó là: thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và địa phương (DDCI). Các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; kiến nghị Trung ương dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai nhằm nâng cao năng lực lực quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu, tư vấn và đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế có uy tín nhằm phục vụ thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của các đối tác cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc để chủ động tháo gỡ cũng như kiến nghị các giải pháp để thực hiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

P.Hương