Nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hoá, dịch vụ của các thương nhân thông qua yiệc chia sẻ quyền kinh doanh trên một thương hiệu, bí quyết kinh doanh cho một thương nhân khác. Hoạt động này đã phát triển tại Việt Nam trong 5-6 năm trở lại đây.
Thế nào là mô hình kinh doanh nhượng quyền?
Mô hình kinh doanh nhượng quyền là hoạt động thương mai, theo đó bên nhượng quyền sẽ cho phép, cấp quyền và yêu cầu bên đối tác tự tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong đó: Việc kinh doanh các loại hình sản phẩm, dịch vụ được tiến hành theo chiếc lược do bên nhượng quyền quy định. Hàng hóa sẽ được gắn với tên thương hiệu, nhãn hiệu, biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát, nắm thông tin và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Bên nhận quyền phải kí hợp đồng bản quyền với bên nhượng quyền. Trong đó, các điều khoản hoạt động phải tuân theo quy định chung, đảm bảo quyền lợi 2 phía.
Các hình thức kinh doanh nhượng quyền phổ biến
– Nhượng quyền thương hiệu theo mô hình kinh doanh toàn diện: được xem là cấu trúc chặt chẽ và hoàn thiện nhất trong các loại hình nhượng quyền hiện nay. Khi nhượng quyền kinh doanh toàn diện, bên cung cấp nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền nhận 4 nội dung chính:
+ Hệ thống kinh doanh: Chiến lược, mô hình, quy trình vận hành được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo.
+ Bí quyết công nghệ sản xuất/kinh doanh, chẳng hạn như công thức pha chế.
+ Hệ thống thương hiệu.
+ Sản phẩm/dịch vụ.
Bên nhận nhượng quyền sẽ trả một khoản phí để bên nhượng quyền hỗ trợ các công đoạn: Thiết kế và trang trí cửa hàng, hướng dẫn địa điểm mua nguyên liệu và trang thiết bị, hỗ trợ Marketing,… Đây là hình thức nhượng quyền được áp dụng phổ biến ở thị trường Việt Nam.
– Chuyển nhượng thương hiệu theo mô hình kinh doanh không toàn diện. Đối với loại hình này, chỉ chuyển nhượng một số yếu tố như công thức, sản phẩm, tiếp thị Sale hoặc chuỗi cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu sản phẩm. Đối với chiếc lược nhượng quyền này, phần thu nhập mà bên nhượng quyền nhận được chủ yếu từ việc bán sản phẩm dịch vụ hoặc chi phí cung cấp thương hiệu.
– Nhượng quyền có tham gia quản lý: Hình thức này thường được áp dụng tại các thương hiệu lớn. Ngoài việc cung cấp hình thức kinh doanh và thương hiệu thì bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành cho bên nhận nhượng quyền nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành quy trình kinh doanh dễ dàng hơn.
– Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn: Ngoài việc nhượng quyền thương hiệu của mình, bên nhượng quyền cũng sẽ đầu tư một số nhỏ tiền vào cửa hàng nhận nhượng quyền. Điều này giúp bên nhượng quyền có ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh của cửa hàng.
Cần chuẩn bị gì khi tham gia mô hình nhượng quyền thương hiệu?
– Chuẩn bị nguồn vốn cho các chi phí như: chi phí nhượng quyền thương hiệu sản phẩm; chi phí thuê mặt bằng, trang trí tổng thể cửa hàng; chi phí nguyên vật liệu sản xuất và các thiết bị cần thiết; chi phí thuê nhân viên; chi phí dự trù; chi phí rủi ro.
– Nghiên cứu thị trường kinh doanh: trước khi đầu tư vào lĩnh vực nhượng quyền, bạn cần nắm rõ tất cả thông tin về thị trường kinh doanh mục tiêu cũng như độ hot của sản phẩm.
– Chuẩn bị về phần mềm quản lý: đây là công cụ giúp khách hàng kiểm soát các nguyên vật liệu, dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn có thể quản lý hoạt động bán hàng hiệu quả nhất.
P.Hương (tổng hợp)