Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TỪ PHỤ PHẨM CỦA QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT TINH BỘT NGHỆ

Tinh dầu nghệ là một phụ phẩm của quá trình sản xuất tinh bột nghệ. Là một sản phẩm có dược tính tốt cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người.

Nguyễn Hồng Ánh Linh đến từ trường Đại học Công nghệ Đồng Nai là tác giả của ý tưởng sản xuất tinh dầu nghệ. Chị Linh cho biết: Tinh dầu nghệ có chứa ít nhất là 20 chất có tác dụng kháng sinh, 14 chất ngăn ngừa ung thư, 12 chất chống lại các khối u, 12 chất chống viêm và ít nhất là 10 chất chống oxy hóa. Cùng với các chất trên thì nghệ cũng mang đến các loại vitamin tăng cường sức khỏe và các alkaloids (hợp chất hữu cơ ). Thành phần hóa học chủ yếu trong tinh dầu nghệ là những hợp chất như Ar-turmerone, a-tumerone, curlone, Caryophyllene, eucalyptol, a-phellandrene. Một số công dụng của tinh dầu nghệ: Giúp chống viêm, kháng khuẩn, giúp vết thương mau liền sẹo; làm đẹp hiệu quả bởi khả năng chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa sự lão hóa nhanh chóng, đem đến cho người dùng một làn da mịn màng, tươi trẻ dài lâu; Giảm nám, tăng cường đào thải tế bào da nhiễm sắc tố sinh ra nám và ngăn cản tác hại từ tia UV, giúp da trắng hơn và mờ nhanh vết nám; chống oxy hóa tế bào da, giữ vững cấu trúc collagen giúp da săn chắc, giảm các nếp nhăn nhất là ở đuôi mắt; ngăn rụng tóc, nuôi dưỡng chân tóc giúp mọc nhanh, sợi bóng đẹp, giảm khô gãy, chống ung thư đại tràng, …

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới nên rất thích hợp cho sự phát triển của cây nghệ, các huyện có diện tích trồng nghệ lớn như Huyện trảng Bom, Long Khánh, Vĩnh cửu… Chính vì vậy nguồn nguyên liệu để sản xuất tinh bột nghệ tại Đồng Nai rất dồi dào. Hiện nay tại các cơ sở sản xuất và hộ gia đình sản xuất tinh bột nghệ thì trong quá trình sản xuất chỉ thu lại tinh bột nghệ và loại bỏ đi một lượng lớn tinh dầu do vậy rất lãng phí. Từ thực tế đó, tác giả đã nảy ra ý tưởng “Xây dựng quy trình sản xuất tinh dầu nghệ từ phụ phẩm của quá trình sản xuất tinh bột nghệ” nhằm mục đích: cung cấp nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm và dược phẩm cao cấp; Nâng cao giá trị từ củ nghệ giúp người nông dân, các cơ sở sản xuất tăng thêm thu nhập; Bảo vệ môi trường xung quanh; …

Sản phẩm được tác giả đặt tên là “Tinh dầu nghệ Khánh Thiện”, với ý nghĩa làm sản phẩm với cái tâm trong sáng, sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp của cộng đồng

Những khác biệt và ưu điểm của sản phẩm: Sản phẩm được sản xuất nhờ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành kết hợp với máy móc tiên tiến điển hình như thiết bị chưng cất tinh dầu. Ưu điểm của máy là có thể chưng cất tinh dầu có trong nguyên liệu với hiệu suất cao. Năng suất thực tế của thiết bị khoảng 10 kg tương đương 30 kg nguyên liệu trong một ca sản xuất 8 tiếng, từ đó cho ra đời khoảng 100 ml tinh dầu. Thiết bị này phù hợp với quy mô sản xuất và mức đầu tư hiện tại. Với ưu điểm đa dụng, đa năng của mình, đầu ra thị trường của tinh dầu nghệ rất đa dạng. Điều kiện bảo quản đơn giản, sản phẩm có thể để ở nhiệt độ phòng trong bao bì tiêu chuẩn (chai kín, tối màu). Sản phẩm có thể bảo quản lâu tới 3 năm mà không cần chất bảo quản hỗ trợ.

Tác giả Ánh Linh trình bày về cách thức dự kiến triển khai để sản phẩm tiếp cận được với thị trường tiềm năng: Sản phẩm sẽ nhắm đến hai đối tượng khách hàng gồm Khách hàng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp và Các đại lý mua sỉ sản phẩm để phân phối. Quá trình marketing được chia thành 3 giai đoạn.

Tác giả cũng cho biết một số khó khăn có thể gặp phải khi đưa sản phẩm ra thị trường và kế hoạch ứng phó với các bất lợi này. Như lòng tin của người tiêu dùng đối với mức độ an toàn và đảm bảo của sản phẩm; các sản phẩm cạnh tranh khác trong lĩnh vực tinh dầu, mỹ phẩm làm đẹp hiện nay trên thị trường đã có nhiều, làm sao để sản phẩm tinh dầu nghệ Khánh Thiện tạo được thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng là một bài toán khó; khó khăn khi bị các doanh nghiệp lớn hơn cạnh tranh về giá….

Có thể thấy đây là một ý tưởng khởi nghiệp đầy táo bạo của các bạn trẻ còn đang là sinh viên đến từ trường Đại học Công nghệ Đồng Nai; khuyến khích phong trào khởi nghiệp làm giàu chính đáng của giới trẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật để chế biến nông sản thành sản phẩm giá trị cao, thương mại hóa và có thể xuất khẩu.

Nguyễn Hoàng Tuấn.