HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định: Tiên phong phát triển sản phẩm trái cây theo tiêu chuẩn OCOP

HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định là một trong số ít HTX thực hiện thành công dự án cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đặc sản sầu riêng VietGAP ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Sản phẩm sầu riêng của HTX cũng là một trong số ít mặt hàng trái cây tươi của Đồng Nai đạt chứng nhận 3 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chuong trình OCOP).

Sản phẩm trái cây của HTX Xuân Định tham gia Chương trình OCOP.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định cho biết, tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã Xuân Định hiện nay vào khoảng hơn 220 hécta; năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha; hiệu quả kinh tế đạt khoảng 400 triệu/ha (sau khi đã trừ các khoản chi phí).

“Nhờ phát triển diện tích tập trung nên cây sầu riêng Xuân Định đã được tỉnh chọn triển khai thực hiện Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay sản phẩm sầu riêng của Hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 56,5 ha cho 34 hộ nông dân tham gia dự án. Trên cơ sở đó đến nay HTX đã có trên 120 ha được chứng nhận VietGAP”, bà Nga chia sẻ.

Với việc được công nhận sản phẩm OCOP sẽ là những lợi thế và là cơ hội để HTX tìm được đối tác mở rộng thị trường xuất khẩu cho đặc sản trái cây tươi địa phương. Đặc sản sầu riêng của HTX được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu và đưa vào được các cửa hàng trái cây an toàn, hệ thống siêu thị lớn khu vực phía Nam.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Xuân Định cho biết thêm, thời gian qua, bên cạnh hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, Hợp tác xã đã phối hợp với Trạm BVTV mở các lớp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình sạch, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; tổ chức thu mua sản phẩm của nông dân với tổng sản lượng khoảng 900 tấn sầu riêng.

“Đến nay 99% diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã được trồng bằng các giống mới như: Ri6, Thái Lan, Chín hóa…Trong đó, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp nhà vườn giảm chi phí công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu sầu riêng Xuân Định”, bà Nga nói.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định giới thiệu về sản phẩm sầu riêng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo các xã viên của Hợp tác xã, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, phân sinh học thay cho phân hóa học, đồng thời chú trọng đến việc chủ động phòng ngừa sâu bệnh thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IMP), hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…Tất cả đều phải áp dụng đúng quy trình. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất không ngừng tăng lên.

“Từ trước đến nay khâu tiêu thụ sản phẩm sầu riêng vẫn qua thương lái và qua thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Hy vọng, thời gian tới nếu được các siêu thị, doanh nghiệp liên kết để xuất khẩu thì người dân trồng sầu riêng sẽ rất yên tâm về đầu ra. Định hướng và phát triển dự án sầu riêng của Hợp tác xã theo hướng VietGAP nhằm gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu, hình thành chuỗi giá trị để nông dân cùng các đối tác hưởng lợi là một trong những nội dung quan trọng của dự án”, bà Nga chia sẻ.

Phong trào OCOP của Đồng Nai đã và đang bước trên chặng đường tiếp theo. Sau 2 lần đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, có thể kỳ vọng chương trình sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định uy tín để sản phẩm OCOP Đồng Nai tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị để đưa nông sản Đồng Nai ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường trong và ngoài nước. Với ý nghĩa thiết thực của chương trình OCOP, các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP Đồng Nai đang được các Sở, Ngành và địa phương trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện xúc tiến thương mại, ký kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các đơn vị có sản phẩm OCOP có điều kiện gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, phát triển ổn định và ngày càng bền vững hơn trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới Đồng Nai và cả nước nói chung.

Thanh Cảnh