Khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín

Năm bắt được nhu cầu tiêu thụ các loại nấm ăn tăng cao, nên phong trào trồng nấm đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện Long Thành, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín của HTX Nông nghiệp Xanh đang mang gia hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Đây cũng là giải pháp đạt giải nhì Hội thi “Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai” năm 2020.

Chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh bên trang trại nấm của gia đình.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng nấm rơm trên thị trường rất lớn, năm 2016, chị Nguyễn Thị Liên thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp xanh nấm rơm, với 7 thành viên tham gia. Để nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng dịch vụ sản xuất, cuối năm 2018, Tổ hợp tác nông nghiệp xanh nấm rơm phát triển thành HTX Nông nghiệp Xanh, với chức năng chuyên cung cấp các sản phẩm nấm rơm và meo giống.

Nghề trồng nấm rơm đã có từ khá lâu, với cách trồng truyền thống là trồng trên nền đất rồi phủ rơm lên. Cách trồng này khá đơn giản, tiết kiệm chi phí, song phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết. Nếu thời tiết trong mùa mưa thì hầu như không trồng được. Ngoài ra, trồng nấm rơm truyền thống cũng tốn nhiều diện tích đất sản xuất.

Khắc phục những nhược điểm này, chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh (xã Lộc An, huyện Long Thành) đã cùng với các thành viên nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng nấm rơm hoàn toàn trong nhà kín, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Theo chị Liên, với mô hình trồng nấm trong nhà kín, muốn cho nấm phát triển tốt thì việc xây dựng nhà kín phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm khống chế và kiểm soát được các thông số như: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… Nấm được trồng trong nhà kín sẽ không lo ngại về vấn đề nấm bị hư hại bởi các tác động bên ngoài như độ ẩm, ánh sáng, không khí…

Với quy trình trồng nấm sạch, an toàn, nên sản phẩm của HTX rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ.

“Trồng nấm trong nhà kín đòi hỏi nông dân phải sử dụng các kỹ thuật cao như: muốn tăng nhiệt độ thì sử dụng hệ thống sưởi, còn khi thời tiết nắng nóng thì dụng hệ thống phun sương để hạ nhiệt độ. Nhờ đó, người trồng nấm có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm trong nhà nấm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng nhà trồng nấm khép kín cũng khá cao, song bù lại bà con có thể sử dụng đến 10 năm”, chị Liên chia sẻ.

Theo chị Liên, điểm đặc biết nhất của mô hình này đó là việc thiết kế trồng nấm trên giàn phân thành nhiều tầng, nên rất tiết kiệm diện tích đất sản xuất. Giá thể trồng nấm dùng nguyên liệu chủ yếu là phế phẩm từ thân cây bông vải, nhanh mục, dinh dưỡng cao hơn mà chi phí nguyên liệu sản xuất lại rẻ. Nấm trồng ra không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có hình thức đẹp, thơm ngon và có thể trữ lâu hơn.

Cũng theo chị Liên, với việc trồng nấm trong nhà kín nên người dân không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, thị trường đầu ra của sản phẩm cũng được bảo đảm.

Trung bình mỗi tháng, các thành viên trong HTX Nông nghiệp Xanh sản xuất 1 vụ nấm, qua đó cung cấp cho thị trường 80-100 kg nấm.

“Về lâu dài, để mở rộng sản xuất, HTX sẽ tiến hành liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp nâng cao giá trị kinh tế cho xã viên”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Nguyễn Thị Liên cho hay.

Lê Khôi