Vươn lên làm giàu từ nghề sản xuất tằm giống

Quyết định quay trở lại với nghề cũ là trồng dâu nuôi tằm, nhưng chọn hướng đi mới đã giúp anh Hoàng Văn Đức (44 tuổi, ấp 2, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, việc mạnh dạn chọn hướng đi riêng đã giúp anh làm giàu từ nghề truyền thống mà mình yêu thích.

Anh Hoàng Văn Đức quay lại nghề cũ là nuôi tằm giống nhưng đã thành công lớn với nguồn thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống đã có hàng chục năm nay ở xã Sông Ray. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trước, khi giá tơ tằm xuống thấp, người dân nơi đây đã lần lượt bỏ nghề. Hàng chục ha dâu bị chặt hạ để thay vào đó là cây lúa, cây bắp. Nằm trong “guồng quay” đó, gia đình anh Đức cũng chặt bỏ gần 2 ha dâu tằm để chuyển sang trồng bắp. “Lúc đó giá tơ xuống thấp quá nên gia đình cũng quyết định chặt dâu để trồng bắp nhằm cải thiện thu nhập”, anh Đức nhớ lại.

Thế rồi, khoảng 5 năm trở lại đây, giá tơ tằm tăng trở lại. Nghề trồng dâu nuôi tằm từ chỗ bị mọi người “ruồng bỏ” bỗng được hồi sinh nhanh chóng. Những ruộng lúa, vườn bắp ở Sông Ray cũng dần nhường chỗ cho những cánh đồng dâu xanh ngắt. Thu nhập được cải thiện, người dân Sông Ray lại rủ nhau quay trở lại với nghề truyền thống. Từ đó, nhu cầu về tằm giống cũng tăng cao.

Cũng giống như nhiều hộ dân khác trong vùng vốn vẫn giữ tình yêu với nghề truyền thống, gia đình anh Đức cũng nhanh chóng quay trở lại với nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, khác với trước đây, anh Đức quyết định làm mới nghề cũ bằng cách chọn cho mình một hướng đi riêng: chỉ nuôi tằm giống thay vì vừa nuôi giống vừa nuôi thịt như trước. Theo anh Đức, giá tơ tăng nên nhiều người quay trở lại với nghề. Nhưng khác với lúc trước, sau này người nuôi cũng chuyên nghiệp hơn, họ chỉ nuôi tằm thịt để lấy kén thay vì kiểu “tự cung, tự cấp” vừa nuôi giống, vừa nuôi thịt như trước. “Từ đó, nhu cầu về tằm giống sẽ cao hơn trước bởi phần lớn người nuôi không tự sản xuất giống nữa. Với dự đoán như vậy, tôi quyết định chỉ nuôi tằm giống để cung cấp cho các hộ nuôi trong vùng”, anh Đức chia sẻ về hướng đi riêng mà mình chọn.

Quyết là làm. Năm 2013, anh Đức bắt đầu trồng 1,3 ha dâu để nuôi tằm giống. Cùng với đó, anh cũng dốc hết vốn liếng xây dựng 2 phòng nuôi có trang bị máy lạnh để nuôi tằm giống. Bởi, theo anh Đức, nhiệt độ thích hợp để tằm con sinh trưởng là từ 24 – 32 độ C, trong đó phù hợp nhất là từ 24 – 28 độ C. Tuy nhiên, vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao nên phải gắn máy lạnh để làm mát cho tằm con. “Việc gắn máy lạnh không chỉ tạo nhiệt độ thích hợp cho tằm con phát triển mà còn giúp giữ tươi lá dâu cho tằm ăn. Tôi hay nói đùa, nhà tôi con tằm được cưng chiều nhất vì ở máy lạnh, còn người thì không”, anh Đức cười cho hay.

Với sự đầu tư kỹ càng, những lứa tằm con đầu tiên sau khi nở đều sinh trưởng tốt. Nhờ đó, lượng khách hàng tìm đến cơ sở tằm giống của anh Đức ngày càng tăng. Theo người nông dân 44 tuổi này, việc nuôi tằm chuyên nghiệp hóa từng công đoạn như hiện nay mang đến rất nhiều lợi ích cho người nuôi. Bởi, trước đây khi vừa nuôi tằm giống và tằm thịt, tỷ lệ tằm nhiễm bệnh rất cao. Thế nhưng, khi tách biệt việc nuôi tằm giống và tằm thịt thì anh rất ít tốn tiền thuốc chữa bệnh cho tằm. “Con tằm có đặc điểm càng về sau càng yếu và dễ nhiễm bệnh. Do đó, khi vừa nuôi tằm giống và tằm thịt thì tằm giống rất dễ nhiễm bệnh từ tằm thịt. Theo quan sát của tôi, từ khi tách ra riêng biệt, tằm rất ít bị bệnh”, anh Đức lý giải.

Không những như nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm khác, anh Đức chỉ phát triển tằm giống cung cấp cho các hộ nuôi lấy kén.

Theo anh Đức, việc nuôi tằm giống cũng không quá phức tạp. Trứng tằm sau khi nở được đưa vào phòng nuôi và cho ăn lá dâu. Sau 12 ngày thì xuất bán cho người nuôi. Khi bán tằm xong, dành khoảng 3 ngày để vệ sinh phòng nuôi và bắt đầu nuôi lứa mới. Hiện một tháng, cơ sở của anh Đức xuất bán 2 đợt tằm giống, khoảng 100 hộp. Doanh thu gần 90 triệu đồng, trừ đi chi phí, gia đình anh Đức có khoản lời khoảng 30 triệu đồng/tháng. “Lợi nhuận như vậy là cao gấp 10 lần so với trồng bắp trước đây, bởi mỗi ha bắp mỗi năm làm 3 vụ cao lắm cũng chỉ lời khoảng 35 – 40 triệu đồng/năm”, anh Đức cho hay.

“Làm nghề này muốn phát triển thì không chỉ lo thu lợi nhuận cho mình mà phải biết hỗ trợ khách hàng mới phát triển được”. Đây là điều mà anh Đức luôn tâm niệm khi quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi tằm giống. Bởi theo anh Đức, khi nghề nuôi tằm hồi sinh trở lại, số lượng cơ sở sản xuất tằm giống cũng xuất hiện nhiều hơn. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường cũng vô cùng khắc nghiệt. Chính vì vậy, để thu hút khách hàng đến với cơ sở của mình, anh Đức đã quyết định xây dựng chuỗi liên kết nhằm hỗ trợ người nuôi. “Những hộ nào mua tằm giống của cơ sở tôi thì tôi sẽ mua lại kén và nhập lại cho cơ sở kéo tơ ở Lâm Đồng”, anh Đức cho hay.

Không chỉ đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi mua tằm giống ở cơ sở của mình, anh Đức còn hỗ trợ thêm chi phí đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi mới nhằm giúp họ giảm áp lực về vốn đầu tư. Theo đó, những hộ nuôi mới khi mua tằm giống ở cơ sở của anh Đức thì được hỗ trợ né nuôi, kỹ thuật cũng như các trang bị khác. “Số tiền mua các dụng cụ này, tôi sẽ trừ dần qua mỗi vụ thu kén. Như vậy người nuôi không phải bỏ ra số vốn quá lớn ban đầu khi mới nuôi mà trả dần qua từng vụ”, anh Đức chia sẻ.

Với mô hình chuỗi này, cơ sở tằm giống của anh Đức đã thu hút được số lượng hộ nuôi tham gia chuỗi khá đông. Từ đó, tạo cho anh một lượng khách hàng ổn định và bền vững. “Hiện chuỗi của cơ sở tôi có khoảng 100 hộ tham gia rồi”, anh Đức khoe.

Thanh Cảnh