Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TỪ GỖ MỸ NGHỆ

Gỗ mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây mang tính sáng tạo nghệ thuật nên phần lớn các khâu phải làm bằng tay và mỗi tác phẩm mang một diện mạo, phong thái khác nhau. Từ đam mê, say sưa học hỏi để từng bước cải tiến, rút kinh nghiệm, bắt đầu làm từ vật nhỏ, đơn giản đến những vật dụng lớn có chi tiết phức tạp.  Ông Đoàn Minh Tiên – chủ sơ sở gỗ mỹ nghệ Đào Minh Tiên (huyện Xuân Lộc) đã thay đổi cuộc sống gia đình.

Nghệ nhân Đoàn Minh Tiên, ấp 5, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), một trong 2 người đầu tiên làm nghề mộc mỹ nghệ ở huyện Xuân Lộc cho biết, ông đến với nghề mộc mỹ nghệ bởi tính ham làm, thích sáng tạo. Năm 1976, ông đi xây dựng kinh tế mới, khai khẩn đất hoang làm nơi trồng khoai mì, bắp. Thấy những gốc cây to lớn nằm lăn lóc trên bãi đất, ông muốn mang về nhà làm củi nấu nên dùng dao tỉa tót cho gọn để tiện bề di chuyển. “Sau khi tỉa các gốc cây, tôi quyết định không làm củi nấu mà để lại làm cảnh trong nhà. Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại ra đẽo, gọt gốc cây liên tục. Dần dà, nó cũng trở nên “có hồn”, có hình dáng như tôi muốn. Hết giờ lên rẫy, tôi ngồi một mình hàng giờ chỉ để ngắm, hình dung xem gốc cây này có thể làm được hình gì” – ông Tiên cho hay. Để không phí, làm hao tổn những gốc cây có hình dáng độc và lạ, ông lấy đất sét đắp thành khối lớn rồi đem phơi nắng. Sau đó, ông “thí nghiệm” hình dáng, tạc tượng lên đất sét và chỉ khi nào thấy chắc ăn mới áp dụng vào các gốc cây.

Nhiều khi ý tưởng về tác phẩm chợt đến ngay lúc ông chuẩn bị nghỉ ngơi, giờ ăn cơm hay thiu thiu đi vào giấc ngủ. Những lúc như vậy, ông liền cầm đục, cưa chế tác. Chỉ sau vài đêm thức khuya, dậy sớm, những gốc cây đã có đủ hình dáng độc đáo, ngộ nghĩnh. Tạc tượng gỗ xong, ông đem trưng bày trong nhà, khách đến chơi thấy đẹp, ngỏ ý mua lại.

Khi có chút kinh nghiệm, ông Tiên bắt đầu sưu tầm, tìm mua những gốc cây bỏ đi về làm thử và phát hiện nhiều gốc cây cổ thụ dáng hình lạ. Với con mắt nghệ thuật, ông đã biến những vật vô tri ấy thành những tác phẩm có giá trị cao. Từ đó, chúng lần lượt theo chân ông đi khắp nơi, từ triển lãm, trưng bày đến buôn bán, giao thương. Dần dà sản phẩm của ông được khách hàng khắp nơi nghe tiếng. Ông trở thành người tiên phong ở Đồng Nai biến gốc cây thành… “vàng”.

Nghệ nhân Đào Minh Tiên, ấp 5, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) đa dạng sản phẩm mộc mỹ nghệ bằng cách làm thêm các ngôi nhà gỗ trưng trong các khu du lịch.

Nghệ nhân Đào Minh Tiên đa dạng sản phẩm mộc mỹ nghệ

bằng cách làm thêm các ngôi nhà gỗ trong các khu du lịch.

Với bàn tay tài hoa trời phú, ông quyết định mở xưởng mộc. Hiện nay, bộ sưu tập gỗ nghệ thuật của ông đã có hàng trăm tác phẩm giá trị. Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành được coi là hàng hiếm, khó kiếm ở đâu được cái thứ hai. Gốc cây cổ thụ vốn được coi là bộ “hóa thạch” tưởng chừng không còn sử dụng, chôn vùi dưới lòng đất qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những bộ bàn ghế, vật dụng trang trí nội thất đẹp mắt, khiến nhiều người thích thú. Trong khuôn viên nhà ông Tiên, chỗ nào cũng có thể làm nơi trưng bày các sản phẩm mới, từ xe, nhà gỗ mô hình, thác nước đến tượng đủ loại hình các con vật…

Nhờ biết đổi mới, đa dạng sản phẩm cơ sở sản xuất của ông Tiên luôn nhân được các đơn hàng trong nước cũng như xuất đi nước ngoài. Vào những ngày cuối năm, nhu cầu gỗ mỹ nghệ từ gốc cây tăng lên, xưởng gỗ của ông hoạt động rộn ràng hơn. Để thích ứng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của khách hàng, cơ sở gỗ mỹ nghệ của ông Tiên phát triển làm những sản phẩm cung cấp cho các quán ăn, quán café, khu du lịch trong nước như: nhà ngồi nghỉ mát, xe ngựa, cầu, thác nước, tượng đủ loại… Mỗi một sản phẩm đều là hàng “độc”, khó kiếm được cái thứ hai.

Sản Phẩm Cơ sở gỗ mỹ nghệ Đào Minh Tiên

Sản phẩm của cơ sở gỗ mỹ nghệ Đào Minh Tiên

Ở xưởng sản xuất của ông Tiên, thoang thoảng mùi thơm của gỗ, sơn mài và đặc biệt là âm thanh lốc cốc, chan chát của tiếng đục, chạm trổ vang lên rộn rã. Từ những gốc cây xù xì, vô tri giác, qua bàn tay của ông Tiên trở nên có “hồn”, mang tính nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao. Mỗi sản phẩm đều mang một nét đẹp riêng, tượng trưng cho “cái hồn” nghệ thuật mà người thợ gửi gắm qua cách tạo dáng, đường nét chạm trổ. Ông Tiên cho biết để “săn” được bộ gốc, rễ cây đẹp, có tuổi thọ hơn trăm năm mà vẫn nguyên vẹn, không hề bị mối mọt, chất lượng tốt khiến những người trong nghề mất ăn, mất ngủ. Từ những gốc cây, người thợ phải nhìn ra được cách tạo dáng, tạo hình cho nó rồi mới tạo ra con gì, thế gì cho đẹp.

“Các sản phẩm từ gốc cây đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình, các con của tôi có điều kiện học tập đầy đủ. Trước đây khi chưa đến với nghề, cơm ngày ba bữa còn khó, giờ thì đời sống khấm khá. Hàng làm ra không chỉ giao thương trong nước mà còn xuất bán nước ngoài. Mỗi tháng xuất được vài container hàng đi các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…” – ông Tiên vui vẻ cho biết.

Làm việc bằng đam mê, luôn say mê học hỏi tìm tòi cái mới, phát triển sản phẩm từ những lợi thế sẵn có của địa phương – trong mỗi ngõ ngách của cuộc sống luôn có ý tưởng để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng trên quê hương mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương.

Trần Văn Lưu.