Từng là giáo viên một trường THPT trên địa bàn huyện với mức thu nhập ổn định, song với niềm đam mê khởi nghiệp, nữ cử nhân tin học Trần Thị Tuyết Mai, ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất đã quyết tâm rời bục giảng về nhà khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau khí canh. Đến nay, sau gần 1 năm gắn bó, mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình chị.
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Thống Nhất, chúng tôi tìm đến vườn rau khí canh rộng 50 m2 của gia đình chị Trần Thị Tuyết Mai. Ít ai có thể nghĩ rằng, vườn rau này mỗi tháng đem lại lợi nhuận thu nhập trung bình từ 10-11 triệu đồng.
Khi quyết định rời bục giảng để về làm nông nghiệp, chị Mai đã nhận được rất nhiều lời khuyến của mọi người là không nên từ bỏ công việc giáo viên đang khá ổn định. Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, chị đã quyết định theo đuổi đam mê của mình.
Chị Trần Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Sau khi tôi tiếp cận mô hình trồng rau khí canh với thử nghiệm ban đầu chỉ với 4 trụ, tôi thấy cây rau phát triển rất là dễ, tôi không phải mất nhiều thời gian để chăm sóc, rồi có rau cho gia đình ăn. Từ đó tôi có suy nghĩ sẽ nhân rộng mô hình này ra để cho mọi người trong cộng đồng đều có thể dùng rau sạch mà chi phí đầu tư ban đầu ít tốn kém…”
Từng là một giáo viên THPT dạy môn tin học, nhưng sau 11 năm gắn bó chị Trần Thị Tuyết Mai đã quyết định rẽ sang một hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Với suy nghĩ người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và ăn uống lành mạnh, sử dụng rau sạch trong chế độ ăn hàng ngày nhằm cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm. Đó chính là lý do thúc đẩy chị Mai nghiên cứu tìm tòi, học hỏi và phân tích từ các mô hình trồng rau truyền thống như thổ canh, thủy canh, rồi đi đến quyết định chọn trồng rau sạch khí canh để khởi nghiệp.
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2023, mô hình chính thức được triển khai trên diện tích 50 m2 với 50 trụ. Mỗi trụ gồm: 1 ống nhựa phi 200, chiều dài 1,85m, được khoét 45 lỗ phi 60 để đặt rọ trồng rau, 1 thau nhựa đường kính tối thiểu 60 cm, 1 pép tưới phun sương. Ngoài ra còn có các ống nhựa dùng để hồi lưu và đẩy nước tưới cho các trụ. Việc tưới nước cho rau được vận hành bằng tủ điện lập trình sẵn thời gian tưới. Tùy theo nhiệt độ ngoài trời mà cài đặt lập trình cho phù hợp.
Chị Trần Thị Tuyết Mai cho biết thêm, về chi phí đầu tư cho hệ thống trồng rau khí canh này thì một hệ thống gồm 4 trụ, với đầy đủ thiết bị liên quan như là máy bơm, tủ cài đặt sẵn hệ thống phun tưới, rồi các rọ để trồng cây và dinh dưỡng… Chi phí đầu tư vào khoảng 7,4 triệu đồng, với một hệ thống tuần hoàn như vậy.
Hiện nay, chị Mai đang trồng các loại rau như: xà lách, cải bó xôi, cải hoa hồng, cải xanh, cần tây, rau thảo dược…, mỗi vụ rau có thời gian từ 15-30 ngày (tùy loại rau). Mỗi trụ 1 vụ rau cho thu khoảng 5 kg, với giá rau đang được chị bán từ 70-100 ngàn đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí một trụ có lợi nhuận trung bình 250 ngàn đồng. Một năm có thể trồng được 11 vụ, như vậy với 50 trụ trồng rau khí canh trên diện tích 50m2, một năm cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất cho biết, trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao chất lượng cuộc sống thì mô hình trồng rau khí canh theo hướng hữu cơ đang rất cần thiết. Để nhân rộng, phát triển mô hình này, Hội nông dân huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm đầu ra ổn định cho rau khí canh, qua đó giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Mô hình trồng rau khí canh của chị Trần Thị Tuyết Mai đã đạt giải khuyến khích Hội thi “Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2023” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Tiến Thụ – Thanh Cảnh