Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt nam trong 3 năm trở lại đây thật sự tạo nên cơn sốt. Hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt tay với các startup tiềm năng làm nên những thương vụ trị giá bạc tỷ. Nhờ vậy, Việt Nam đã có tên trên bản đồ khởi nghiệp thế giới với nhiều doanh nghiệp thành công trong mọi lĩnh vực dù tuổi đời còn khá non trẻ.
Thế nhưng, khởi nghiệp luôn luôn là một cuộc đua nhiều sóng gió. Mỗi startup là một con thuyền ngoài biển lớn, phải phiêu liêu, chẳng ai dám chắc trươc rằng một ý tưởng đột phá, một nhà đầu tư “chịu chi” hay một đội ngũ tâm huyết… thì kiểu gì sẽ tạo nên sự khác biệt, thành công. Vậy bí quyết gì làm nên sự thành công của những doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam? Hãy cùng gọi tên top 10 ý tưởng khởi nghiệp hay nhất Việt Nam trong bài viết này!
Got It – Nền tảng chia sẻ kiến thức cùng chuyên gia trên toàn cầu
Gương mặt tiêu biểu đầu tiên trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chính là Got It. Got It cho ra đời nền tảng chia sẻ kiến thức dạng dịch vụ (Knowledge as a Service – KaaS) theo yêu cầu đầu tiên trên thế giới. Lý giải cho sự hình thành KaaS, anh Trần Việt Hùng – đồng sáng lập Got It nhận ra rằng sử dụng công cụ tìm kiếm có thể giúp tìm được thông tin nhanh chóng nhưng kết quả nhận được thường không được cá nhân hóa một cách chính xác cho vấn đề cụ thể của người dùng. Việc đọc qua hết các kết quả cũng tốn nhiều thời gian.
Nền tảng này có vai trò sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp các “đơn vị kiến thức” bằng cách kết nối người dùng với chuyên gia được xếp hạng dựa trên ExpertRank. Trong số 250.000 người đăng ký, có hơn 12.000 người vượt qua quá trình kiểm tra và thẩm định của Got It để trở thành chuyên gia với ExpertRank hợp lệ.
Anh Hùng từng chia sẻ về tham vọng biến Got It thành một dịch vụ kiến thức trực tuyến mà ở đó, mọi thắc mắc của người dùng đều được giải đáp bởi các chuyên gia trong vòng 10 phút. Từ thời điểm phát hành ứng dụng, Got It đã có hơn 1,5 triệu người dùng trên iOS, 300.000 người dùng trên Android – trở thành một trong những cái tên “hot” nhất tại Silicon Valley.
Got It khi ra mắt đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng khởi nghiệp nước Mỹ (Nguồn: shields)
ViCare – Nền tảng tra cứu thông tin y tế, kết nối người dùng với các dịch vụ y tế
Ý tưởng ban đầu xuất phát từ sự thấu hiểu vấn đề mà nhiều người bệnh đang gặp phải của anhPhạm Văn Đức – CEO và nhà sáng lập Vicare. Theo anh, người bệnh thiếu những thông tin xác thực được cung cấp bởi những bác sĩ và chuyên gia. Việc đưa ra quyết định đi khám ở đâu, chữa trị thế nào vẫn mang cảm tính và chủ yếu thông qua sự giới thiệu của những người thân quen. Vì vậy, việc đưa công nghệ vào giải quyết vấn đề về thông tin y tế còn tồn đọng chính là mục tiêu của ViCare.
Vicare được thành lập vào năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Đây là nền tảng tra cứu thông tin y tế, kết nối người dùng và các dịch vụ y tế tại Việt Nam. Giúp người dùng trả lời câu hỏi “Tôi bị bệnh gì?” thông qua tra cứu cơ sở dữ liệu về bệnh, triệu chứng thu thập từ hàng trăm ngàn thắc mắc tương tự của người bệnh khác. Đặc biệt, những thắc mắc này được kết nối trực tiếp đến bác sĩ và chuyên gia về lĩnh vực mà người bệnh cần tư vấn.
Anh Đức đã gọi vốn thành công từ hai quỹ đầu tư nước ngoài là CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vine Capital (Singapore) với hơn 10 tỷ đồng. Năm 2018, Vicare đang thực hiện vòng gọi vốn tiếp theo. Tính đến hiện nay, ViCare có cơ sở dữ liệu kết nối với khoảng 50.000 cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên toàn quốc, 43.000 bác sĩ, có 150.000 lượt câu hỏi và tư vấn của bác sĩ.
ViCare đang giúp hàng ngàn người Việt giải đáp các vấn đề về sức khỏe (Nguồn: Vicare)
Edu2Review – Nền tảng đánh giá đơn vị giáo dục và đặt chỗ khóa học trực tuyến
Được thành lập từ giữa năm 2015 bởi Hồ Hoàn (du học sinh Phần Lan) và Austin Carter (Canada), Edu2Review mang trong mình khát vọng kết nối hàng triệu người học với các đơn vị đào tạo chất lượng thông qua một nền tảng đánh giá trung tâm và đặt chỗ khóa học.
Giáo dục là mối quan tâm chính của nhiều phụ huynh, học sinh và người đi làm. Việc chọn một nơi học phù hợp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi các trung tâm, trường học ngày càng nở rộ và có chất lượng “na ná” nhau. Giá trị cốt lõi mà startup này mang đến cho người dùng là nguồn thông tin đánh giá được xác thực và nhiều ưu đãi khi đặt chỗ khóa học, còn với đơn vị đào tạo là quảng bá thương hiệu và thu hút tuyển sinh.
Cụ thể, Edu2Review thu thập đánh giá trực tiếp của người dùng trên trang web edu2review.com về ưu-khuyết điểm và trải nghiệm thực tế tại nơi đã học, mặt khác, đội ngũ phụ trách dự án còn trực tiếp đến tận lớp học thu thập đánh giá của học viên.
Bằng các tính năng đánh giá qua video, hình ảnh các trường, trung tâm để học viên có thêm thông tin lựa chọn khóa học, Edu2Review thể hiện khả năng đánh giá khách quan, đa chiều từ những người đi trước, mang đến sự tin cậy cao nhất cho cộng đồng.
Edu2Review giúp học viên chọn nơi học uy tín dựa trên những đánh giá đáng tin cậy
(Nguồn: Edu2Review)
Tính đến tháng 3/2018, Edu2review đã thu thập gần 30.000 đánh giá chất lượng từ người học, hơn 3.500 đơn vị giáo dục đã được đánh giá, gần 3.000 lượt đặt chỗ khóa học và mỗi tháng có hơn 550.000 người truy cập vào tham khảo các ý kiến. Đây là lượng dữ liệu rất đáng kể về về các đơn vị giáo dục ở Việt Nam.
Bên cạnh những con số biết nói, Edu2Review cũng đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong cộng đồng khởi nghiệp: Giải nhất cuộc thi Startup Wheel 2016, Giải nhì cuộc thi Hatch Fair 2016, Top 5 startup tranh tài tại hội nghị APEC 2017.
Dobody – Ứng dụng khớp lệnh giữa cung cầu dựa trên nền tảng công nghệ
Ý tưởng nảy sinh từ chuyến tham gia hỗ trợ đồng bào ở Quảng Bình, anh Phan Bá Mạnh chứng kiến cảnh bà con nơi đây thiếu đồ dùng, trong khi ở thành phố lại thừa. Sau 4 tháng, Dobody được vận hành thử, không đơn giản có chức năng kết nối nhu cầu đổi đồ vật dành cho người thừa và người cần, sản phẩm thực chất là nền tảng khớp lệnh giữa cung cầu dựa trên nền tảng công nghệ của Google.
Với tấm lòng của một người con yêu nước, anh muốn người có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng, vị CEO trẻ tuổi đã ra mắt ứng dụng “Cứu trợ từ thiện” trên nền tảng công nghệ của Dobody. Ứng dụng này sẽ chỉ ra các vùng khó khăn trên cả nước đang thiếu những gì để nhà hảo tâm đáp ứng đúng nhu cầu của người dân địa phương đó.
Dobody đã thu hút thành công dòng vốn lên đến 1 triệu đô từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, CEO Phan Bá Mạnh đang phát triển thêm Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải – An Vui và gặt hái thành công không nhỏ với giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
CEO trẻ tuổi nung nấu ước mơ khởi nghiệp để giúp những hoàn cảnh khó khăn
(Nguồn: maukinhdoanh)
MediThank – Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa, tối ưu hóa công nghệ chăm sóc sức khỏe
Anh Trương Thanh Hoài – CEO MediThank đã chia sẻ rằng ý tưởng khởi nghiệp của anh bắt nguồn từ những trải nghiệm thực tế về môi trường y khoa tại Việt Nam: “Tôi từng không ít lần chứng kiến cảnh người thân, bạn bè phải vất vả đợi làm lại xét nghiệm khi lỡ làm thất lạc kết quả trước đó trong khi bệnh tình của họ đang ngày một chuyển biến xấu đi”.
Vì thế, MediThank – Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa được thành lập với vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, ứng dụng này đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân khám ngoại trú hoặc ở xa khi giúp họ tiết kiệm phần lớn thời gian, chi phí đi lại. Bên cạnh đó, công nghệ số hóa dữ liệu còn giúp các bác sĩ tham khảo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi tiến hành khám, chữa bệnh.
Tuy dữ liệu trực tuyến tại MediThank chỉ mang tính chất tham khảo, không có vai trò thay thế hồ sơ bệnh án chính thống trong bệnh viện nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cao để không tiết lộ tình trạng bệnh lý của chủ tài khoản. Dự án này sẽ giúp giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn và hướng tới tương lai mỗi trẻ em khi sinh ra đều sẽ có một mã số y khoa online cho đến suốt cuộc đời.
MediThank giúp tiết kiệm thời gian, lưu trữ thông tin sức khỏe một cách tối ưu (Nguồn: baodautu)
Perkfec – Nền tảng giúp doanh nghiệp gắn kết nhân viên, giảm tình trạng nghỉ việc
Sau khi làm việc ở nhiều công ty, chàng trai Nguyễn Văn Toản nhận thấy nhiều nhân viên công sở bắt đầu chán và mong muốn chuyển công ty vì cho rằng quản lý và đồng nghiệp không ghi nhận cống hiến của mình. Điều đó chính là cơ sở để Toản hình thành nên dự án Perkfec – Nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng văn hoá ghi nhận, cảm ơn nơi công sở và thử thách nhân viên đạt mục tiêu trong công việc.
Ứng dụng gồm 3 chức năng chính là ghi nhận, thử thách và tặng thưởng. Theo đó, mỗi khi đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc công việc, bạn có thể gửi lời ghi nhận kèm theo điểm để khích lệ. Các nhân viên có thể thử thách lẫn nhau, tặng điểm khi hoàn thành và số điểm nhận được có thể tích lũy để đổi quà như vé xem phim, ăn uống, du lịch, áo thun, ngày nghỉ…
Perkfec ra đời với mong muốn thay đổi văn hóa làm việc tại châu Á – nơi nhân viên có thể thi đua, gắn kết và cảm thấy giá trị của mình trong tập thể và vui vẻ cống hiến trong công việc. Quan trọng hơn cả là giúp thay đổi cách quản lý truyền thống tại các công ty, giúp Việt Nam trở thành một trong những nơi đáng làm việc trong khu vực.
Perkfec giúp nhân viên gắn kết với công ty và tạo ra nhiều giá trị hữu ích hơn (Nguồn: Readacity)
Robotics 3T – Công ty chế tạo Robot thúc đẩy tiến trình tự động hóa sản xuất
Với mong muốn phát triển hệ thống robot công nghiệp đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tự động hóa sản xuất hiện tại ở Việt Nam, anh Trương Trọng Toại từ bỏ chương trình thạc sĩ sau một năm theo học và quyết định về nước sáng lập Robotics 3T. Công ty hoạt động trên lĩnh vực thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các loại robot và hệ thống tự động hóa, cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống và điều khiển chuyển động thông minh.
Robotics 3T vẫn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng đã cho ra mắt, phân phối trong và ngoài nước nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao như: card thu thập dữ liệu, máy điều khiển nhiều trục, bộ điều khiển độ cao đầu cắt plasma… các sản phẩm này sẽ phục vụ cho thị trường Việt Nam từ 2018 trở đi và sau đó là xuất khẩu sang thị trường các nước đang phát triển.
Các robot và hệ thống robot công nghiệp được phát triển tập trung chính vào ứng dụng căn bản nhất, đó là thay thế công nhân cho các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí hơn vì không phải đầu tư dây chuyền công nghệ của những thương hiệu lớn. Trong tương lai, Robotics 3T hy vọng có thể cạnh tranh trực tiếp với robot công nghiệp của những thương hiệu khác và giá thành sản phẩm rẻ hơn 40-60%.
Công nghệ chế tạo robot giúp tăng năng suất, giảm rủi ro trong dây chuyền sản xuất
(Nguồn: Robot3t)
Vũ Trụ Xanh – Khóa cửa vân tay mang lại cơ hội phát triển vượt ngoài mong đợi
Hoàng Tuấn Anh – chàng trai 8x có thời gian du học và kinh doanh từ nhỏ trên đất Úc, khi mới 25 tuổi, Hoàng Tuấn Anh đã kiếm được cả triệu đô la Úc. Thế nhưng anh quyết tâm về Việt Nam lập nghiệp với sản phẩm khóa vân tay vì thấy được cơ hội kinh doanh khổng lồ từ việc chuyển đổi từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm kỹ thuật số ở Việt Nam.
Năm 2010, Công ty Vũ Trụ Xanh ra đời – chuyên cung cấp khóa cửa vân tay PHGLock – phân phối độc quyền từ Úc. Vũ Trụ Xanh kinh doanh 2 dòng sản phẩm chính. Dùng trong nhà riêng và nhà chung cư là khóa mở bằng vân tay hoặc mã số. Còn trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là khóa mở bằng thẻ từ.
Vũ Trụ Xanh đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ khóa vân tay tại TP.HCM, với hơn 300 đại lý. Đặc biệt trong năm 2018, Vũ Trụ Xanh sẽ cung ứng cả chuông cửa màn hình. Sản phẩm cho phép chủ căn hộ đứng ở trong nhà có thể thấy được bạn bè, người thân tới chơi, và mở cửa cho họ chỉ với một nút bấm.
Khóa cửa vân tay đánh đúng vào nhu cầu thiết yếu của mọi gia đình, công ty dịch vụ
(Nguồn: doanhnhanonline)
WeFit – Ứng dụng giúp kết nối người tập và đơn vị cung cấp dịch vụ thể dục
Với mong muốn thay đổi nhận thức, ý thức rèn luyện và chăm sóc sức khỏe của mọi người, Nguyễn Khôi đã sáng lập nên ứng dụng WeFit – tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình. Đây là ứng dụng được xây dựng theo nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ, phục vụ cả hai đối tượng là người tập và các đơn vị cung cấp dịch vụ thể dục.
Những người giữ thói quen luyện tập là những người có tính kỉ luật rất cao. WeFit sẽ là người giúp họ để những bước đầu dễ dàng hơn, từ đó hình thành thói quen và chính mỗi người sẽ phải tự giữ được kỷ luật của chính mình để duy trì việc luyện tập. Mô hình hoạt động của WeFit là người dùng đăng ký thành viên, trả phí hội viên là có thể tham gia tập luyện tại hơn 500 địa điểm tại Hà Nội và TP. HCM.
WeFit giúp khách hàng có nhiều lựa chọn về việc tập luyện, được trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn và giúp các phòng tập có thêm người tập vào các khung giờ còn chỗ trống. Bước kế tiếp, anh Khôi – CEO sẽ tập trung kết nối với những đối tác lớn, những đơn vị danh tiếng, và cải thiện chất lượng của các đơn vị đang có hiện tại để tạo ra một chuẩn mực cho các phòng tập.
CEO Nguyễn Khôi muốn người Việt có ý thức hơn trong việc rèn luyện, chăm sóc sức khỏe thông qua ứng dụng WeFit (Nguồn: WeFit)
METUB Network – Quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số
Cô gái trẻ Hà Thị Tú Phượng đã sáng lập nên METUB Network – với sứ mệnh tối đa lợi ích cho các cá nhân và nhãn hàng dựa trên các nền tảng kỹ thuật số như YouTube, Facebook… METUB đã lọt vào “mắt xanh” của WebTVAsia, cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác quan trọng với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và ký kết với các đơn vị quản lý nghệ sĩ để phát triển kênh YouTube và sản xuất các chương trình giải trí kết hợp với nghệ sĩ quốc tế.
METUB đóng vai trò hỗ trợ quảng bá, phát hành, kinh doanh và sản xuất video cho các đơn vị và cá nhân sản xuất nội dung trực tuyến. Content creator có thể kiếm tiền từ những lượt xem trên các nền tảng. Mặt khác, các nhãn hàng tăng giá trị thương hiệu và nhận diện dựa trên việc hợp tác với METUB thông qua KOLs (những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng).
Hơn thế nữa, METUB đã góp công lớn trong việc đưa những người nổi tiếng Việt Nam giao lưu ở nước ngoài như đưa Sơn Tùng M-TP biểu diễn tại Đại nhạc hội Viral Fest Asia (Thái Lan), Noo Phước Thịnh biểu diễn tại Hồng Kông… Năm 2017 là năm thành công vượt bậc cả về doanh thu lẫn uy tín thương hiệu khi từ tháng 10/2017 đã đạt trên 1 tỷ lượt xem/tháng.
Hà Thị Tú Phượng – Cô gái 9x có cơ hội hợp tác với nhiều đối tác lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số (Nguồn: thuongiaonline)
Trên đây là 10 ý tưởng khởi nghiệp hay nhất Việt Nam. Các startup đã mang lại những dự án ý nghĩa có giá trị thiết thực, không chỉ nhằm mục đích kinh doanh thông thường mà còn hướng đến cải thiện đời sống cho hàng triệu người dân Việt. Mong rằng với những bước tiến hiện tại, Việt Nam sẽ sớm vươn mình trở thành một trong những “con rồng” kinh tế lớn trong khu vực và trên toàn thế giới.
Nguồn: Edu2Review tổng hợp