Bưởi từ lâu đã trở thành loại trái cây đặc sản của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Để có những quả bưởi đạt chất lượng tốt, người nông dân trồng bưởi phải thật kỹ lưỡng trong từng khâu chăm sóc, trong đó, giai đoạn cắt tỉa bớt quả non (một lần sau khi bưởi đậu quả 2 tuần và lần tỉa thứ 2 cách lần đầu 2 tuần). Trong quá trình tỉa quả cần tỉa bỏ là quả nhỏ, quả ở chùm quá dày, quả ra ở vị trí không thuận lợi, quả không cân đối, cắt bỏ những cành ra hoa nhưng không có khả năng đậu quả, cành tăm, cành khô. Khi cắt nên dùng dụng cụ chuyên dùng để cắt tỉa.
Thường quả bưởi non được tỉa sẽ bỏ đi lãng phí, thế nhưng, anh Trần Hoàng Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) đã tận dụng toàn bộ số bưởi non bị cắt tỉa để chiết xuất tinh dầu bưởi– hiện mặt hàng này đang được ưa chuộng trên thị trường, nhất là trong ngành dược mỹ phẩm – làm đẹp.
Anh Thiện cho biết, sống ở vùng Bình Lợi, người dân quanh vùng đa số là trồng bưởi, vào vụ cắt tỉa bưởi non, chứng kiến quả bưởi bị cắt tỉa rất nhiều nên anh luôn suy nghĩ làm thế nào để tận dụng những quả bưởi này, vừa tránh gây lãng phí, góp phần bảo vệ môi trường sạch, đẹp lại có thể mang lại sản phẩm hữu ích, và tinh dầu bưởi là điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên.
Thử nghiệm ban đầu, anh Thiện sử dụng dao bào gọt vỏ bưởi, sau đó băm nhỏ, xay bằng máy xay sinh tố, rồi chưng cất tinh dầu theo cách truyền thống bằng cách ép tách qua chai thủy tinh. Tuy nhiên, với cách này, số lượng tinh dầu chưng cất được số lượng ít và mất khá nhiều thời gian. Sau đó, ở số lượng dần nhiều hơn, anh Thiện bắt đầu sắm đầy đủ máy móc ở hầu hết các khâu: gọt, nghiền nhỏ vỏ bưởi, nồi chưng cất tinh dầu…để cho ra số lượng tinh dầu số lượng lớn để bán ra thị trường. Thế nhưng, với số lượng tinh dầu lớn tỷ lệ với vỏ bưởi sau khi ép tinh dầu cũng nhiều lên, khó xử lý. Anh Thiện lại theo học các lớp làm phân bón hữu cơ bằng giải pháp IMO từ phế thải nông nghiệp do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức. Kết hợp với nuôi ấu trùng ruồi lính đen từ nguồn phế thải để làm thức ăn cho gia cầm. Kể từ đó, mọi phế thải từ quá trình làm tinh dầu bưởi đều được giải quyết triệt để, vườn bưởi của bà con nông dân trên địa bàn xã Bình Lợi trở nên sạch sẽ hơn, không còn nỗi lo về ô nhiễm môi trường.
Để hoạt động sản xuất phát triển theo hướng bền vững, anh Thiện cho biết, hiện nay HTX Nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp Bình Lợi sẽ mở rộng quy mô sản xuất tinh dầu, theo đó sẽ tiến hành thu gom bưởi non cắt tỉa ở quy mô lớn đồng thời khi sản xuất đã ổn định, HTX sẽ làm hồ sơ để xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu bưởi. Anh Thiện cũng như bà con nông dân ở Bình Lợi mong muốn sản phẩm tinh dầu bưởi Bình Lợi sẽ đáp ứng được chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và từng bước giới thiệu rộng rãi sản phẩm này ra thị trường.
Theo Anh Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu cho biết, hiện tại xã Bình Lợi có 2 loại cây trồng chủ lực là bưởi và lúa. Diện tích cây lúa hiện còn hơn 380 ha; diện tích trồng bưởi là gần 230 ha, trong đó có 165 ha đã cho thu hoạch. Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao, diện tích trồng cây bưởi đang ngày càng được mở rộng. Ngoài thu nhập chính từ quả bưởi, sản phẩm tinh dầu bưởi cũng góp phần nâng cao hơn nữa giá trị cây bưởi, cũng như góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và bảo vệ môi trường. Để sản phẩm có đầu ra ổn định, xã cũng giới thiệu và tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm tinh dầu bưởi của người dân địa phương thông qua các gian hàng tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm bên lề hội thảo, hội nghị về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực.
Diệu Linh