Từ một công nhân may, nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn trong làm ăn, thanh niên Lâm Văn Tâm (dân tộc Sán Chay), ngụ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đã tạo lập xưởng may gia công với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn, anh Lâm Văn Tâm luôn luôn ý thức về một công việc ổn định để có thể lo cho gia đình sau này. Đặc biệt anh yêu thích nghề may nên ngay sau khi học xong cấp 3 anh xin vào công ty may mặc làm việc.
Sau gần 10 năm cần mẫn, miệt mài tích lũy kinh nghiệm, anh Tâm quyết định về nhà mở xưởng may gia công vào tháng 6 năm 2017. Thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn nên việc đầu tư mua máy may và thuê nhân công không được nhiều. Nhưng bù lại anh nắm được khá rõ nhu cầu cũng như thị trường cho sản phẩm của mình, đồng thời có mối quan hệ với một số doanh nghiệp có nhu cầu thuê may gia công, anh đã mạnh dạn dốc toàn bộ vốn liếng, kết hợp sự hỗ trợ, giúp đỡ của anh em bạn bè đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị và mở rộng cơ sở vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa để tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã và các địa bàn lân cận.
Đến nay cơ sở may gia công của anh đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 – 5 triệu đồng /người/tháng.
Chị Nguyễn Phương Kiều, ngụ ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom làm tại xưởng may của anh Tâm chia sẻ: “Nhà tôi cũng gần đây nên đi làm khá thuận tiện. Nguồn hàng cũng nhiều nên thu nhập hàng tháng cũng được 6-7 triệu đồng. Nói chung làm việc ở đây đỡ áp lực hơn so với làm công ty”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, công nhân cho biết, hồi trước tôi đi làm cho công ty ở khu công nghiệp, nhưng có gia đình và em bé nên ở nhà luôn. Sau đó, biết đến xưởng may của anh Tâm nên nhận hàng đem về nhà làm gia công. Thu nhập hàng tháng cũng ổn định.
Theo anh Tâm, nghề may không chỉ đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, sáng tạo mà còn phải không ngừng học hỏi mẫu mã mới, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Nhờ tích cực cập nhật kỹ thuật mới, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng kỳ hạn nên sản phẩm may mặc của cơ sở luôn có nguồn hàng ổn định, được khách hàng tin cậy. Hiện tại, xưởng may của anh Tân chủ yếu may gia công mặt hàng quần áo trẻ em, trong đó 90% số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường TP.HCM và 10% để xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình mỗi tháng xưởng may của anh sản xuất được trên 10 ngàn sản phẩm. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi gần 30 triệu đồng/tháng.
Anh Lâm Văn Tâm cho biết thêm, mới đầu mở ra cũng khó khăn về vốn và thị trường. Mình phải chạy đầu này đầu kia vay mượn để đầu tư máy móc trang thiết bị và tìm kiếm khách hàng. Dần dần khách hàng biết đến sản phẩm của mình rồi tự tìm tới. Đến nay, xưởng may cũng giải quyết việc làm cho hơn 20 công nhân lao động tại địa phương. Kinh tế gia đình cũng khá hơn nhiều so với trước kia.
Không chỉ là một ông chủ của xưởng may gia công, anh Tâm còn hăng hái tham gia công tác đoàn, luôn đi đầu trong vận động, tuyên truyền đoàn viên, thanh niên của ấp tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, hưởng ứng các hoạt động xã hội.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đoàn xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho hay, phong trào lập thân, lập nghiệp được Đoàn xã đã triển khai xuống các chi đoàn cùng với các thanh niên ở địa phương. Đến nay có rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như xưởng may của anh Lâm Văn Tâm. Xưởng may đã đem lại nhiều hiệu quả nhất là đã tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương và chính bản thân gia đình anh.
Thời gian tới, anh Tâm dự định sẽ đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc tuyển thêm nhân công để sản xuất một số mặt hàng mới mà khách hàng đang cần. Có thể nói thành công của anh Tâm là tấm gương về nghị lực, ý chí của tuổi trẻ hôm nay.
Lê Văn