Trồng sầu riêng sạch là một trong 10 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2020. Dự án được thực hiện bởi anh Lại Thế Anh, xã Phú An, huyện Tân Phú.
Xã Phú An có tiềm năng, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển trồng cây sầu riêng và đây cũng được chọn là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, do trước đây người dân chỉ trồng manh mún, chăm sóc không đồng đều dẫn đến thu hoạch sản phẩm không đạt sản lượng, khả năng cạnh tranh thấp, bị tư thương ép giá, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, thanh niên tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vào sản xuất để mở rộng diện tích trồng Sầu riêng.
Anh Lại Thế Anh chia sẻ, hiện nay, tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Sầu riêng tăng cao, giá cả ngày càng tăng so với các năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm Sầu riêng ngày càng đảm bảo. Việc áp dụng kỹ thuật VietGAP vào sản xuất Sầu riêng góp phần tăng năng xuất cây Sầu riêng cũng như chất lượng ngày một tăng cao. Đồng thời, địa phương cũng đã thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với sản phẩm chính là Sầu riêng, Bưởi da xanh và hoạt động hiệu quả qua các năm. Do đó, việc phát triển mô hình Sầu riêng hiện đang là mô hình có hướng phát triển kinh tế tích cực cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đang là hướng đi tốt giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế tại địa phương thu hút tập hợp thanh niên. Vì thế anh Thế Anh đã quyết định khởi nghiệp với cây Sầu riêng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Muốn sản phẩm Sầu riêng bán được giá cao thì sản phẩm đó phải sạch, truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng được những thị trường khó tính như: Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc ….do đó việc canh tác phải theo hướng hữu cơ, quản lý được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm được chứng nhận VietGap, GlobalGap, Oganic, …” – anh Thế Anh nói.
Với 2 ha đất sẵn có của gia đình và 75 triệu tiền vốn hiện có, anh Thế Anh đã vay Ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng để trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Theo đó, anh Thế Anh đã đầu tư hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, giống, phân bón…và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sử dụng các loại phân hữu cơ thay thế phân hóa học, đảm bảo thời gian cách ly để không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời liên kết thành vùng sản xuất lớn và thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Theo kế hoạch, sau 4 năm cây sầu riêng cho thu hoạch với lợi nhuận bình quân khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện trên địa bàn xã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú An hoạt động ổn định và đã được chứng nhận VietGap trên diện tích 78 ha sầu riêng, dó đó sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ thông qua hợp tác xã bán cho các thương lái thu mua
Anh Thế Anh hy vọng mô hình trồng sầu riêng của mình sẽ mang lại thu nhập ổn định cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn xã Phú An. Tuy thời gian hoàn vốn khá dài nhưng lợi ích kinh tế cao, từ đó tạo tiền đề cho các thanh niên làm ăn phát triển kinh tế ổn định cuộc sống tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã nhà, góp phần vào công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao.
P.H